GS.TS - NHÀ GIÁO ƯU TÚ Đinh Văn Sơn: Một nhà giáo tâm huyết và năng động (19/09/2012)

Nhưng đằng sau sự bình lặng ấy là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực của bản thân anh trước bao biến cố thăng trầm của cuộc sống. Hiện là Hiệu trưởng Trường đại học Thương mại - một trường đại học danh tiếng, có bề dày thành tích, anh đang cùng đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường tìm ra những giải pháp hiệu quả, có tính đột phá nhằm đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo và khoa học công nghệ trong tình hình mới.

Những mảnh ghép dẫn tới thành công

Người ta vẫn thường nói: “Đại học không phải là con đường duy nhất dẫn tới thành công nhưng đó lại là con đường ngắn nhất”. Năm 1982, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, chàng trai trẻ Đinh Văn Sơn rời quê hương Duy Tiên, Hà Nam lên Hà Nội theo học tại Trường đại học Kinh tế quốc dân. Sau khi tốt nghiệp, đầu năm 1988 anh được Trường đại học Thương mại tuyển dụng làm giảng viên môn Tài chính-Tín dụng, khoa Kinh tế. Hào hứng đón cơ may đến với mình, nhưng anh cũng hiểu “vạn sự khởi đầu nan”. Trong tình hình khó khăn chung của đất nước lúc đó, vợ anh cũng là giảng viên cùng trường, con cái còn nhỏ, gia đình hai bên đều khó khăn, anh phải bươn chải để kiếm sống và trang trải kinh phí cho việc học tập. Nhắc lại những năm tháng đã qua, anh vui vẻ bộc bạch: “Ngoài nghề giáo, mình đã từng làm 7 nghề khác nhau để kiếm tiền trong những giai đoạn khó khăn. Đó là các nghề như: làm trống, thợ xây, vẽ truyền thần, sửa chữa máy khâu, may gia công, sửa chữa đồ điện - điện tử, sửa chữa đồng hồ. “Trong cái khó ló cái khôn” mà. Hầu như nghề nào mình cũng được tín nhiệm lắm đấy”.

Không để lãng phí thời gian, anh cần mẫn vừa lao động vừa học tập, đến năm 1995 đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và lần lượt được đề bạt qua các chức danh lãnh đạo của bộ môn, khoa, rồi của trường. Có không ít doanh nghiệp mời anh về làm việc với mức lương cao gấp nhiều lần lương giáo viên, nhưng anh đã từ chối để lựa chọn cho mình những mảnh ghép phù hợp nhất cho những mục tiêu trong sự nghiệp cũng như cuộc sống mà mình đã đặt ra. Anh tâm sự: “Thời gian quân ngũ đã dạy cho tôi sự quyết đoán nhanh, chính xác trong hành động được kiểm chứng trong thời gian làm chiến sĩ tính toán phần tử pháo bắn; bản lĩnh vững vàng, tính độc lập trong công việc của một chiến sĩ trinh sát pháo binh Lữ đoàn 45, Quân đoàn 1 anh hùng”.

Thầy hiệu trưởng ngày hôm nay

Tác phong nhanh nhẹn, thẳng thắn, không cầu kì, đôi mắt sáng ánh lên sự cương nghị, quyết đoán khiến người dù mới gặp anh lần đầu đã cảm thấy tin tưởng, gần gũi. Hơn 1 năm đảm nhận cương vị Hiệu trưởng Trường đại học Thương mại, GS.TS - Nhà giáo ưu tú Đinh Văn Sơn đã mạnh dạn đưa ra nhiều quyết sách đổi mới với hiệu quả rõ rệt, đã nhận được sự ủng hộ của Đảng ủy và đông đảo cán bộ, giảng viên nhà trường.

Năm học 2011-2012, với quyết định tạm thời dùng việc tuyển dụng, trên cơ sở định biên lại, nhà trường tiến hành luân chuyển nội bộ để giải quyết triệt để tình trạng “thiếu và thừa giả tạo” tại các khoa, bộ môn, các đơn vị trong trường. Đây là một việc khó khăn và nhạy cảm trong công tác tổ chức nhưng là một công việc cần thiết phải làm và chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác sử dụng nhân lực, sự ổn định và phát triển của nhà trường trong hiện tại và cả tương lai. Là một người có tư duy thực tiễn, gắn với nội dung và yêu cầu đào tạo, được sự ủng hộ của Đảng ủy, Ban giám hiệu, thầy Hiệu trưởng Đinh Văn Sơn đã quyết định cấp tiền mua laptop cho giáo viên để thực hiện chương trình điện tử hóa bài giảng của toàn bộ giáo viên trong giảng dạy; với yêu cầu phải chuẩn hóa tiếng Anh đối với các giáo viên trẻ, nhà trường đã quyết định hỗ trợ kinh phí cho các giáo viên khi hoàn thành nhiệm vụ học tập tiếng Anh với mức 10 triệu đồng. Những quyết định đó đã phần nào giảm bớt khó khăn về tài chính cho các giáo viên trẻ trong việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, học tập, bồi dưỡng của mình. Việc tổ chức đấu thầu một số dịch vụ như kinh doanh quầy bar sinh viên, trông coi bãi gửi xe đã nâng cao hiệu quả công việc, giảm bớt chi phí và gia tăng nguồn thu hợp pháp không nhỏ cho nhà trường.

Hiện nay xu hướng cạnh tranh trong giáo dục đại học ngày càng lớn, vai trò của người lãnh đạo, quản lý lại càng nặng nề. Để đảm bảo mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo và ổn định ngân sách nhà trường, tăng thu nhập cho cán bộ, giảng viên, phát huy những thế mạnh vốn có của trường, anh tiếp tục chủ trương đa dạng hóa và mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, từng bước nâng cao uy tín của nhà trường với các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực và trên quốc tế. Anh cùng Ban giám hiệu chỉ đạo và tổ chức triển khai đổi mới toàn diện hoạt động đào tạo của nhà trường trên các mặt: xây dựng chương trình đào tạo; tổ chức đào tạo; phân cấp quản lý đào tạo, công tác thanh tra, kiểm tra. Trong đó, trên cơ sở xác định và bám sát mục tiêu đào tạo, chương trình đào tạo được hoàn thiện và đổi mới khoa học hơn, thực tiễn hơn gắn với điều kiện kinh tế Việt Nam sẽ tạo điều kiện để giảng viên và người học phát huy hết khả năng của mình trong việc truyền đạt, lĩnh hội kiến thức và phát triển tư duy. Nhà trường tiến hành điều tra tình hình việc làm, khả năng hòa nhập với môi trường làm việc mới của sinh viên tốt nghiệp, trên cơ sở đó, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội về chất lượng, quy mô, cơ cấu ngành và chuyên ngành đào tạo.

Anh Sơn còn là một hội viên tích cực của Hội CCB Trường đại học Thương mại, một trong những tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đóng góp trong quá trình phát triển của nhà trường. Những người lính năm xưa nay vẫn phát huy tốt bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, luôn đi đầu trong nhiều hoạt động chung của trường. Hằng năm, các anh, các chị thường tổ chức những chuyến đi về nguồn, cùng nhau ôn lại quá khứ hào hùng của dân tộc như tới thăm di tích Thành cổ Quảng Trị, Côn Đảo, Phú Quốc, chiến trường xưa trên đất bạn Lào...

Đến giờ, có thể nói những mảnh ghép cuộc đời anh đã tạo nên một bức tranh đầy màu sắc và sinh động về chân dung một nhà giáo, một nhà quản lý tâm huyết và năng động. Thầy Hiệu trưởng Đinh Văn Sơn đã, đang và sẽ tiếp tục có những đóng góp đáng kể, thiết thực cho sự nghiệp đào tạo của đất nước, cho uy tín, vị thế và sự phát triển bền vững của Trường đại học Thương mại.

HỒ HƯƠNG