GS. TS Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An: Nghệ An sẵn sàng đối phó với dịch bệnh Corona!
Đồng chí Dương Đình Chỉnh phát biểu tại Hội nghị giao ban trực tuyến tỉnh Nghệ An về công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra.
Nghệ An là một tỉnh có diện tích và dân số lớn, nhiều điều kiện tiềm ẩn nguy cơ bị dịch bệnh Corona (nCoV) thâm nhập, bùng phát. Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, PV Báo CCB Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An về công tác phòng chống dịch bệnh này.
PV: Xin ông cho biết, đến hiện tại, tỉnh Nghệ An đã có trường hợp nhiễm virus Corona được phát hiện chưa?
GĐ Dương Đình Chỉnh: Qua hệ thống giám sát, tính đến thời điểm ngày 7-2-2020, trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa phát hiện trường hợp nhiễm virus Corona nào.
PV: Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Corona, ông nhận định về nguy cơ dịch bệnh ở Nghệ An như thế nào?
GĐ Dương Đình Chỉnh: Mặc dù đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nhiễm virus bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh vào Nghệ An là hoàn toàn có thể xảy ra. Có 4 cơ sở để tôi có thể đưa ra nhận định này:
Thứ nhất, viêm đường hô hấp cấp tính do chủng mới của virus Corona là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Đây là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao.
Thứ hai, Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng và mật độ dân số cao. Có hệ thống giao thông đường biển, đường bộ, đường hàng không phát triển tương đối thuận lợi. Có cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn và nhiều đường mòn, lối mở với nước bạn Lào. Đặc biệt là số người đi lao động ở Trung Quốc và các nước có dịch bệnh tương đối nhiều.
Thứ ba, hiện nay với điều kiện khí hậu mùa đông - xuân lạnh ẩm rất thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát sinh và phát triển.
Thứ tư, do chưa có vacxin đặc trị đối với virus Corona, nên các biện pháp phòng bệnh chủ yếu dựa vào vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, ngăn ngừa xâm nhập trường hợp bệnh, phòng chống lây truyền tại cộng đồng.
Bên cạnh đó, nguy cơ lây lan bệnh vào Nghệ An thông qua khách du lịch, người lao động về từ vùng có dịch trong thời điểm Tết Nguyên đán và rằm tháng Giêng có sự gia tăng đi lại giữa các khu vực, các quốc gia. Tất cả những vấn đề trên là cơ sở để ngành Y tế tỉnh Nghệ An đánh giá nguy cơ dịch bệnh Corona có thể xảy ra tỉnh nhà. Cũng từ các cơ sở này, để đưa ra các phương án phòng và chống dịch bệnh.
PV: Xin ông cho biết, ngành Y tế và UBND tỉnh Nghệ An đã và đang triển khai phòng chống dịch Corona như thế nào?
GĐ Dương Đình Chỉnh: Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã có chỉ đạo quyết liệt tất cả hệ thống chính trị từ cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Xây dựng kịch bản nhằm đáp ứng các tình huống diễn biến của dịch bệnh Corona (nCoV). Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện xã. Thành lập các Đội phản ứng nhanh cấp tỉnh, huyện và các địa bàn trọng yếu. Đồng thời, lãnh đạo UBND tỉnh, ngành Y tế, các sở, ngành cấp tỉnh và UBND các địa phương đã tăng cường đôn đốc, phân công, trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các cơ sở y tế, các địa bàn quản lý. Chỉ đạo triển khai công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh cho người dân, tăng cường các hoạt động vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng theo quy định của Bộ Y tế.
PV: Vậy theo ông, để có kết quả tốt trong việc phòng chống dịch Corona hiện nay, cần chú trọng đến yếu tố và giải pháp nào?
GĐ Dương Đình Chỉnh: Chúng tôi xác định rằng, công tác phòng chống dịch Corona hiện nay không chỉ riêng của ngành nào, mà đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của toàn dân. Tuy nhiên cần chú trọng các vấn đề sau:
Thứ nhất, quyết liệt trong công tác tham mưu, chỉ đạo.
Tập trung cao, không lơ là, coi đây là nhiệm vụ cấp bách. Thực hiện phương châm 4 tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ và nhân lực tại chỗ”. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Corona.
Tiếp tục triển khai đầy đủ, quyết liệt các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư T.Ư Đảng; Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, các Bộ, ngành liên quan, của Tỉnh ủy.
Thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh Corona và các dịch bệnh khác (nếu có). Tổ chức họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Corona các cấp, kịp thời xem xét, bổ sung, điều chỉnh Kế hoạch phòng chống dịch bệnh tùy theo diễn biến thực tế của dịch.
Thứ hai, triển khai đồng bộ các giải pháp.
Về công tác truyền thông: Tăng cường thông tin truyền thông. Huy động cộng đồng phòng chống dịch bệnh Corona. Hướng dẫn người dân chủ động phòng chống dịch, nhưng không gây hoang mang, lo lắng cho nhân dân. Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để phòng chống dịch Corona với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Về chuyên môn: Tiếp tục chỉ đạo triển khai tập huấn chuyên môn nghiệp vụ phòng chống dịch Corona. Thực hiện khai báo y tế, phân luồng, cách ly và chuyển gửi cơ sở y tế đối với tất cả người dân trở về từ các quốc gia đang có dịch theo quy định của Bộ Y tế. Chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện nghiêm túc phương châm "4 tại chỗ" trong phòng chống dịch bệnh Corona. Tổ chức diễn tập ứng phó các tình huống dịch tại các bệnh viện được giao nhiệm vụ thu dung người bệnh.
Phối hợp chặt chẽ giữa Sở Y tế với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị và các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh Corona.
PV: Trong trường hợp dịch bệnh Corona bùng phát và lây lan mạnh tại Nghệ An, Sở Y tế đã có kế hoạch dự phòng nào để đối phó cho kịch bản này?
GĐ Dương Đình Chỉnh: Hiện nay, ngành Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 3-2-2020 về việc đáp ứng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong đó tỉnh đã đưa ra các tình huống cụ thể như sau:
Tình huống 1: Chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh tại Nghệ An
Tình huống 2: Xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào Nghệ An.
Tình huống 3: Dịch bệnh lây lan trên 5 trường hợp mắc trong tỉnh hoặc có từ 2 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có dịch lây lan.
Tình huống 4: Dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng với trên 30 trường hợp mắc bệnh (vượt khả năng thu dung của Bệnh viện HNĐK tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi) hoặc có trên 5 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có dịch lây lan.
Đối với mỗi tình huống tỉnh đã xây dựng các phương án phối hợp, xử lý và ứng phó dịch cụ thể.
PV: Được biết sắp tới, Bộ tư lệnh Quân khu 4 sẽ tiếp nhận và cách ly theo dõi 3.700 công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc và các quốc gia có dịch. Ông có thể cho biết, tỉnh Nghệ An sẽ có bao nhiêu điểm tiếp nhận? Và công tác chuẩn bị về nhân sự, vật chất như thế nào rồi?
GĐ Dương Đình Chỉnh: Theo Kế hoạch, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã tổ chức, xây dựng 11 điểm tập trung ở doanh trại các đơn vị, sẵn sàng tiếp nhận trên 3.700 công dân Việt Nam lao động, học tập, công tác về từ Trung Quốc và các quốc gia khác có dịch trở về Việt Nam để cách ly, theo dõi. Trong đó, tại tỉnh Nghệ An tổ chức 3 điểm tiếp nhận: Bộ CHQS tỉnh, Trường quân sự Quân khu; Đoàn an điều dưỡng 40 Cửa Hội. Tất cả các điểm đón này đã sẵn sàng tiếp nhận, cách ly và theo dõi người nghi ngờ bị nhiễm bệnh.
Đồng thời Sở Y tế thành lập 2 đội phản ứng nhanh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; chỉ đạo các Trung tâm Y tế T.P Vinh, Nam Đàn, thị xã Cửa Lò bố trí 3 tổ y tế và các trang thiết bị, thuốc men cần thiết để tham gia hỗ trợ. Tiến hành phun khử khuẩn, vệ sinh môi trường. Như vậy, các điểm đã sẵn sàng cho công tác tiếp nhận công dân Việt Nam từ Trung Quốc và các vùng có dịch trở về.
PV: Ông đánh giá như thế nào vai trò của truyền thông trong công tác phòng chống dịch lần này? Có vấn đề gì, mà ông cảm thấy cần phải trao đổi với giới truyền thông?
GĐ Dương Đình Chỉnh: Trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay thì vai trò của truyền thông rất quan trọng. Đây chính là công cụ hữu hiệu, giúp người dân tiếp cận được với các thông tin chính thống về tình hình, cũng như các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng, giúp giảm thiểu nguy cơ lây lan bệnh dịch. Từ đó góp phần làm cho xã hội ổn định, người dân có niềm tin vào sự chỉ đạo của chính quyền, của Đảng và Nhà nước, yên tâm lao động, học tập, sản xuất. Tuy nhiên, đứng về góc độ của ngành Y tế, tôi đề nghị giới truyền thông cần cập nhật sát sao các thông tin về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế đến người dân một cách nhanh chóng, chính xác. Đồng thời cần phản ánh ngay các trường hợp đưa thông tin sai lệch gây hoang mang dư luận. Đó cũng là điều quan trọng trong tình hình hiện nay.
PV: Xin cảm ơn ông.
Thế Sơn (thực hiện)