Góp ý sửa đổi Hiến pháp

LTS: Hiến pháp là văn kiện chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng, là nhân tố bảo đảm sự ổn định chính trị, xã hội và chủ quyền của quốc gia, thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ. Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải tiến hành một cách thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, trong đó có việc lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của thường trực T.Ư Hội CCB Việt Nam, từ số báo này, Báo CCB Việt Nam tổ chức chuyên mục “Góp ý sửa đổi Hiến pháp”. Trân trọng kính mời cán bộ, hội viên Hội CCB Việt Nam và nhân dân tham gia.

Các ý kiến đóng góp xin gửi về: Tòa soạn Báo CCB Việt Nam, số 34 Lý Nam Đế - Hà Nội; Email: b.ccbvn@gmail.com.

Nhiều vấn đề cần trao đổi, làm rõ

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này nhằm tạo cơ sở hiến định, triển khai đồng bộ, thống nhất chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy từ T.Ư đến cơ sở, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, góp phần đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển giàu mạnh. Vì vậy việc tham gia góp ý vào sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là một đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý sâu rộng, thực hiện quyền và trách nhiệm của công dân trong đó có sự tham gia tích cực của cán bộ, hội viên CCB, là dịp để Hội CCB Việt Nam phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thông qua việc góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết, để chúng ta hiểu rõ, hiểu đúng, hiểu đầy đủ về mục đích, ý nghĩa và những nội dung sửa đổi Hiến pháp, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tự giác tuân thủ, thực hiện sau khi Hiến pháp được Quốc hội thông qua.

Dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 lần này tập trung vào 8 điều, khoản, cụ thể (Điều 9, Điều 10, Khoản 1 Điều 84, Điều 110, Khoản 2 Điều 111, khoản 2 Điều 112, Khoản 1 Điều 114 và Khoản 2 Điều 115).

Trong đó có một số nội dung cần được trao đổi, làm rõ. Tại  Điều 9 của dự thảo Nghị quyết có khái niệm “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ)” có hàm chứa đầy đủ khái niệm của các tổ chức chính trị - xã hội như: Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh. Vậy có cần bổ sung vào đoạn này theo hướng xác định rõ các tổ chức chính trị - xã hội là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân?

Tại  khoản 2, Điều 9 dự thảo Nghị quyết ghi “ Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHPN Việt Nam, Hội CCB Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ… được tổ chức và hoạt động trong MTTQ…, dưới sự chủ trì của MTTQ ghi như vậy có trùng lặp, có phản ánh đúng tính chất liên hiệp tổ chức chính trị, vận động, hiệp thương?

Điều 10 dự thảo Nghị quyết dành riêng cho tổ chức Công đoàn. Có ý kiến đề nghị bỏ Điều 10 của Dự thảo vì Công đoàn có quy định riêng thì các tổ chức chính trị khác cũng phải có quy định, và như vậy Hiến pháp sẽ dài. Mặt khác, Công đoàn là thành viên của MTTQ cũng đã được quy định chung trong Điều 9.

Điều 84 khoản 1 dự thảo Nghị quyết quy định thẩm quyền trình dự án luật, pháp lệnh do MTTQ trình. Trong khi đó, Hiến pháp hiện hành ghi: “Cơ quan T.Ư của tổ chức thành viên của MTTQ có quyền trình dự án luật, pháp lệnh trước Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sự thay đổi này dựa trên cơ sở pháp lý và thực tiễn nào cần phải được làm rõ.

 Điều 110 khoản 3 dự thảo Nghị quyết bỏ quy định phải lấy ý kiến nhân dân địa phương khi thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Vậy cơ sở nào  để bỏ quyền được lấy ý kiến của nhân dân?

Điều 115 khoản 2, bỏ quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng Nhân dân đối với Chánh án Tòa án Nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân. Lập luận như trong bản thuyết minh của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 do bỏ cấp huyện sẽ không có Hội đồng Nhân dân ngang cấp để chất vấn, mặt khác tuy không chất vấn nhưng vẫn thực hiện thẩm quyền giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Lý giải như vậy có căn cứ thuyết phục chưa?  

Rất mong các CCB, nhân dân và các cơ quan chức năng cùng nghiên cứu, trao đổi và làm rõ.

                                                                  Trung tướng Nguyễn Văn Hạnh

Trưởng ban Kiểm tra - Pháp luật, Hội CCB Việt Nam