Góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng: Phải có “vũ khí” hữu hiệu chống “giặc nội xâm”

Được nghiên cứu Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, CCB chúng tôi phấn khởi với những kết quả đạt được của nhiệm kỳ qua bao nhiêu, thì băn khoăn, lo lắng về tình trạng tham nhũng của một bộ phân cán bộ đảng viên bấy nhiêu. Bởi lẽ, nếu Đảng ta không ngăn chặn được tham nhũng thì nguy cơ Đảng ngày càng mất niềm tin với dân và sụp đổ chế độ là có thật.
Chúng tôi lo lắng còn vì thấy “cuộc chiến” chống tham nhũng của Đảng dường như chưa thật “trúng”, nên mặc dù đã đưa vào Nghị quyết “chống tham nhũng” từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI và được duy trì liên tục, ngày càng quyết liệt, nhưng cho đến nay tham nhũng vẫn còn rất nghiêm trọng.
Đã đến lúc, Đảng ta phải nhìn nhận vấn đề này một cách rất nghiêm túc, không nóng vội, nhưng cũng không được “bình chân như vại”; không quá sợ hãi tham nhũng, nhưng cũng không được coi thường. Tham nhũng ở chế độ mà Đảng cộng sản là đảng duy nhất lãnh đạo đất nước, khác với tham nhũng ở chế độ đa đảng. Phải đặt câu hỏi vì sao Bác Hồ coi tham nhũng là “giặc nội xâm”? Chúng ta đã từng đánh giặc ngoại xâm, mới thấy giặc nội xâm khó đánh đến mức nào. Lại càng thấy không phải ngẫu nhiên Bác Hồ ví tham nhũng như giặc nội xâm. Không thể không đánh. Khó hơn là đánh phải thắng-nếu muốn tồn tại.
Chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhưng trước hết là trách nhiệm của Đảng. Đúng như Dự thảo Báo cáo Chính trị đánh giá trong mục xây dựng Đảng: “Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và xử lý tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm chưa cao, chưa đủ sức góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong nội bộ Đảng”.
Với niềm tin vào Đảng và kỳ vọng nhiệm kỳ tới, sự lãnh đạo của Đảng được tiếp tục tăng cường hơn nữa trong thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, chúng tôi kiến nghị trong Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng nhiệm kỳ XII, phần “Đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí”, câu đầu nên viết lại là: “Xác định tham nhũng là “giặc nội xâm”; đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp; vừa cấp bách, vừa lâu dài…”.
Chúng tôi rất đồng tình với quan điểm của Đảng ta: “Kiên quyết, kiên trì xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng…” (đây chính là “vũ khí” hữu hiệu chống “giặc nội xâm”.
Để xây dựng được những cơ chế phòng ngửa hiệu quả, theo chúng tôi một mặt phát huy nội lực, một mặt nên học hỏi nhưng kinh nghiệm hay của các nước trên thế giới. Ví dụ, vừa qua, nhân sự kiện “nhà vượt tầng-số 8 phố Lê Trực”, chúng tôi được nghe một GS.TS, chuyên gia thanh tra xây dựng nước ta đã nghỉ hưu nói kinh nghiệm của Hoa Kỳ: Nước này quy định chủ công trình phải nộp trước một khoản phí thanh tra vào ngân hàng. Quá trình xây dựng nếu phải thanh tra thì sẽ trích từ khoản kinh phí đó trả lương cho thanh tra (thanh tra tư nhân). Đương nhiên phải thanh tra càng nhiều lần thì chủ công trình càng tốn tiền “nuôi” thanh tra. Công trình hoàn thành có chứng nhận của thanh tra, Thị trưởng thành phố mới ký giấy chứng nhận công trình hoàn thành.
Với cách làm này nước họ không phải bỏ tiền công nuôi bộ máy thanh tra; không có thanh tra cấu kết với chủ công trình; chủ công trình không dám xây dựng trái phép… Nghĩa là không có tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng nữa.
Ngược lại, như cách quản lý xây dựng của nước ta hiện nay thì chính quyền không thể xử lý xuể “công trình vi phạm” cũng là điều dễ hiểu.
Tôi rất tin tưởng Đảng ta sẽ lãnh đạo thành công cuộc chiến chống “giặc nội xâm” để thực sự “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.
Lê Viết Thuận - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Yên Bái