Góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng: Lý luận phải giải đáp kịp thời hạn chế trong đổi mới

Phần báo cáo Những nguyên nhân chủ yếu của hạn chế, yếu kém trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng, tôi thấy đã đề cập khá đầy đủ, trong đó có nêu “Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa giải đáp được kịp thời một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới….”. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội, nên theo tôi phải được nhấn mạnh hơn, phân tích sâu hơn trong báo cáo.
Tôi chỉ xin dẫn chứng về công tác quản lý giữa các thành phần kinh tế: Gần 30 năm đổi mới, khi nền kinh tế nước ta mở ra 5 thành phần kinh tế, thì lộ rõ là những tiêu cực, thất thoát chủ yếu chỉ xảy ra ở thành phần kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể, với số lượng tài sản thất thoát rất lớn và dường như càng sau này thất thoát càng lớn. Ví dụ, chỉ tính riêng Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã làm thất thoát khoảng 107 nghìn tỷ đồng. Theo số liệu của Tổng Thanh tra Nhà nước công bố ngày 11-9-2015 thì Vinashin hiện còn nợ 86.745 tỷ đồng.
Ngược lại, kinh tế tư nhân lại được quản lý rất chặt chẽ và hầu như không có thất thoát, tiêu cực.
Nguyên nhân thì đã quá rõ, những người bình thường cũng giải đáp được. Vậy tại sao cả nhiệm kỳ qua công tác nghiên cứu lý luận lại không tổng kết, kiến nghị với Đảng vấn đề “nổi cộm” đó đề Đảng lãnh đạo, Nhà nước, Chính phủ đề ra chính sách, giải pháp khắc phục kịp thời?
Đảng ta là Đảng cầm quyền, mọi thay đổi trong chính sách phải bắt đầu từ đường lối lãnh đạo của Đảng. Hay nói cách khác để Đảng có đường lối lãnh đạo đúng, kịp thời thì trước hết phải có “ánh sáng của Lý luận soi đường”.
Theo tôi thì “bài toán” khắc phục thất thoát, tiêu cực trong thành phần kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, thậm chí phải được cơ quan Lý luận của Đảng đi sâu “chẻ” ra từng vấn đề; như lỗi do “cha chung không ai khóc”; lỗi do giao quyền, nhưng không giao trách nhiệm tương ứng; lỗi do tư duy nhiệm kỳ; lỗi do lợi ích nhóm, hay lỗi do “quyền hạn và chế độ trách nhiệm, nhất là quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu không được quy định rõ ràng; thiếu quy chế để kiểm soát quyền lực” mà Ban chỉ đạo Tổng kết một số vấn đề về lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới đã chỉ ra.
Từ những vấn đề “soi đường” của lý luận đó, các nhà hoạch địch chính sách, pháp luật mới có thể đề ra được những giải pháp khắc phục. Còn như vừa qua thì ai cũng thấy thiếu sót khuyết điểm, khóa họp nào, ban bộ nào cũng thấy thiếu sót khuyết điểm mà không khắc phục được. Nơi nào, cấp nào cũng thấy nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, mà cái “dây” kinh nghiệm rút mãi không hết.
CCB Nguyễn Trung Thu (xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình)