Góp phần giải quyết tốt nạn ùn tắc, tai nạn giao thông (25/03/2010)
Vấn đề ùn tắc, tai nạn giao thông ở nước ta hiện nay đang ở mức độ rất trầm trọng, gây hậu quả nặng nề về các mặt kinh tế - xã hội cho nhiều gia đình và cho cả xã hội. Thực hiện tốt việc khống chế nạn ùn tắc và tai nạn giao thông đang là đòi hỏi khẩn cấp của xã hội ta hiện nay để nâng cao hiệu suất lao động xã hội và giữ gìn hạnh phúc cho mỗi gia đình chúng ta.
Nạn ùn tắc và tai nạn giao thông đã diễn ra nhiều năm và gây nên những hậu quả nặng nề cho cả xã hội. Chúng ta đã dồn nhiều sức lực và vật chất để khắc phục, song kết quả chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ngày càng lớn của xã hội. Chỉ tính riêng năm 2009, theo Uỷ ban ATGT quốc gia, cả nước đã xảy ra 12.492 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 11.516 người, bị thương 7.914 người, so với năm 2008 đã giảm 390 vụ, giảm 78 người chết, giảm 152 người bị thương, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng cho xã hội. Có 33 tỉnh, thành phố đã giảm số người chết vì TNGT như Cao Bằng, Quảng Ninh, Tây Ninh, Ninh Thuận… Điều đáng lưu ý là, có tới 80% số TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, mà chủ yếu là xe của tư nhân, xe của các HTX, doanh nghiệp vận tải nhỏ không có thương hiệu. Theo nhận định của Uỷ ban ATGTQG, mặc dù TNGT giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương), nhưng vẫn chưa đạt được chỉ tiêu đề ra là giảm 5% số người chết.
Ngược lại, số vụ TNGT giảm thì trong năm vừa qua, số vụ ùn tắc giao thông lại gia tăng nhiều và thường xảy ra tại các đô thị lớn. Đã có 252 vụ ùn tắc kéo dài hơn 1 giờ, tăng 111 vụ so với năm 2008. Trong số đó, Hà Nội xảy ra 101 vụ, TP Hồ Chí Minh xảy ra 78 vụ, Quảng Ninh 28 vụ, Thanh Hoá 11 vụ, Đồng Nai 13 vụ… gây lãng phí quá lớn về tiền bạc cũng như thời gian vô ích của mỗi người tham gia giao thông .Theo đánh giá, nguyên nhân của các vụ tai nạn ùn tắc giao thông là do ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông của người tham gia giao thông còn kém, có đến 85,5% số vụ TNGT do lỗi của người tham gia giao thông gây nên. Mặt khác, mặc dù cơ sở hạ tầng giao thông đã được đầu tư cải tạo nâng cấp nhưng chưa tương xứng với sự gia tăng của các phương tiện giao thông. Các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt, số đường ngang dân sinh mở trái phép bị đóng ít hơn với số vi phạm mới. Số lượng phương tiện cơ giới đường bộ tăng nhanh gấp nhiều lần tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng. Năm 2009, số lượng mô tô, xe gắn máy đã tăng thêm 10,5%, ô tô tăng 14,1%, trong khi quỹ đất dành cho giao thông tăng quá chậm, nhu cầu tham gia giao thông của người dân ngày càng lớn, do vậy tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông ngày càng diễn ra trầm trọng thêm…
Giải quyết nạn ùn tắc và tai nạn giao thông đến từ hai phía là các ngành, các cơ quan quản lý chức năng về giao thông như Bộ GTVT, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, các cơ quan chính quyền và nguồn lực phát triển hạ tầng như đường sá, cầu cống… Ở một số thành phố lớn, vừa qua đã áp dụng nhiều biện pháp và đã có nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn tiềm ẩn của sự quá tải phát sinh vấn đề mới. Ở phía thứ hai, vấn đề hiện lại đang phụ thuộc vào chính ý thức của người tham gia giao thông, chấp hành tốt Luật Giao thông để bảo vệ an toàn sinh mạng và tài sản cho chính mình và cho người khác. Các vấn đề về văn hoá giao thông của người tham gia giao thông hiện nay còn yếu như, vượt đèn xanh đèn đỏ, chở người quá quy định, không đội mũ bảo hiểm, không nhường nhịn nhau khi xảy tai nạn giao thông… vẫn còn diễn ra nhiều và cần được ngăn chặn kịp thời, nhưng hiệu quả nhất vẫn là ý thức tự giác của mỗi người, tránh để số lượng vụ việc và mức độ trầm trọng ngày càng gia tăng .
Bài và ảnh: VÂN ANH