Gọi tên anh trên đỉnh núi...
**Ba lần qua biên giới tìm anh
**
Cuối cùng, sau rất nhiều lần lên kế hoạch tìm kiếm hài cốt anh trai mình, chị Mùi và gia đình cũng khởi hành. Cũng vì lo về điều kiện sinh hoạt ở đất nước Lào xa xôi nên chị chuẩn bị cho hành trình rất cẩn thận, chu đáo.
Trung tá Phạm Xuân Tám - Chính trị viên Đội quy tập Bộ CHQS tỉnh Nghệ An niềm nở tiếp đoàn. Nhiều năm làm nhiệm vụ trên này, trực tiếp phụ trách mũi ở hướng Long Chẹng nhưng điểm cao 1433 thì anh chưa từng nghe. Sau một hồi giở bản đồ cộng với trí nhớ của ông Phu Vông (Trưởng bản Sầm Thông - Long Chẹng) thì vị trí điểm cao 1433 mới được xác định. Ông Phu Vông khẳng định: “Điểm cao này giờ là rừng rậm, dân bản địa chưa bao giờ đặt chân đến”.
Gia đình chị Mùi đã lường hết những khó khăn khi sang đây nhưng thực sự hoang mang khi nghe ông Phu Vông nói.
“Tìm nhân chứng cùng đơn vị với liệt sĩ Đá” - là phương án mà mọi người thống nhất. Lục tìm trong trí nhớ, chị Mùi nhớ ra CCB Vi Đức Cường, hiện đang sinh sống ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Chị Mùi quyết định quay trở lại huyện Con Cuông để tìm ông Cường. Mọi việc thuận lợi, ông Cường đi ngay, nhưng khi ấy ông chỉ cùng đơn vị chứ không trực tiếp chiến đấu cùng mũi với tổ đặc công 3 người của liệt sĩ Hoàng Văn Đá.
Bảy ngày tìm kiếm giữa mông lung núi rừng chưa xác định được vị trí. Kết thúc hành trình đầu tiên tuy chưa có kết quả nhưng chị Mùi tự hứa với lòng mình phải tìm bằng được hài cốt anh trai để đưa về quê hương.
Trở về Việt Nam, chị Mùi đã tìm được thêm CCB Nguyễn Thế Nhiệm. Ở tuổi 66, sức khỏe lại không ổn định sau khi đặt stend động mạch vành, nhưng nghe kể về nghị lực kiên cường của em gái liệt sĩ Hoàng Văn Đá và tình đồng chí, đồng đội đã thôi thúc ông cùng với ông Phạm Hồng Thái - nguyên Chính trị viên phó Đại đội 24 cùng gia đình liệt sĩ sang Lào lần thứ 2.
Chuyến đi này không thể kể hết được gian khổ mà những người cao tuổi như các ông phải trải qua. Dốc hết sức lực với 6 ngày leo trèo lên xuống cứ điểm nhiều lần nhưng vẫn không tìm kiếm được, họ trở về trong nỗi buồn ám ảnh khôn nguôi.
Về nước, theo hướng dẫn của mọi người, chị Mùi tìm gặp ông Phạm Minh Giám - chiến sĩ sống sót duy nhất trong tổ đặc công đánh cao điểm 1433 và cũng là người chôn cất 2 liệt sĩ. Tuy đã 70 tuổi, nhưng CCB Giám nhận lời đi ngay. Lần này, gia đình liệt sĩ Hoàng Văn Đá hy vọng hơn. Và rồi, niềm vui đã vỡ òa, cả đoàn bật khóc khi tìm được phiến đá nơi hai liệt sĩ nằm lại trên cứ điểm năm xưa.
**Trải nghiệm cung đường anh trai đã đi...
**
Trong ngôi nhà của mình, đầu Xuân Mậu Tuất 2018, chị Mùi không giấu nổi cảm xúc hạnh phúc khi đã đưa cả 2 anh liệt sĩ (một người hy sinh ở Lào, một người hy sinh ở Đồng Nai) về yên nghỉ tại quê hương Tuyên Quang.
Chị Mùi nhớ lại: “Cho đến bây giờ không hiểu sức mạnh phi thường nào đã giúp tôi trèo lên điểm cao 1433. 7 lần lên núi, đường không có, sự sống và cái chết mong manh. Thế mà ai cũng cố gắng, quyết tâm. Với tôi đó là sự trải nghiệm tuyệt vời về cung đường anh trai tôi và đồng đội đã đi qua”.
Đầu tiên phải nói đến những gian nan trong hành trình lên điểm cao 1433. Trung tá Phạm Xuân Tám - Chính trị viên Đội quy tập Bộ CHQS tỉnh Nghệ An là người đã có bề dày kinh nghiệm, nghiên cứu địa hình kỹ lưỡng trên bản đồ, nhưng có những lần lên cao điểm vẫn bị lạc đường, phải lộn lại.
Đường đi chỉ có rừng già với đá tai mèo lởm chởm, dốc núi cheo leo dựng ngược. Bom mìn còn sót lại trong thời chiến nằm rải rác khiến mọi người vừa đi vừa phải dò đường. Các CCB tuổi cao, sức yếu, có lúc không bước nổi, phải có sự trợ giúp của anh em bộ đội trẻ. Khi thì họ phải leo trèo lên những tảng đá trơn trượt, lúc phải leo cây vượt qua hốc đá lớn với muôn vàn nguy hiểm. Trong đoàn, chị Mùi là nữ nên việc vượt qua những thử thách ấy không hề đơn giản.
Khó khăn nhất là thiếu nước sinh hoạt. Trên cao điểm không có nước, nên phải mang từ dưới chân núi lên. Đêm xuống, giữa rừng sâu lạnh giá, các thành viên phải đốt củi sưởi ấm mới ngủ được để có sức ngày mai tiếp tục hành trình.
Chuyến đi cuối cùng tìm thấy anh trai mình với chị Mùi là những cảm xúc đặc biệt nhất. Lên đỉnh núi, mất gần một ngày tìm kiếm vẫn không thấy. Đến khi tưởng chừng như bất lực, thì phiến đá đặt 2 liệt sĩ để khâm liệm bất chợt lộ ra trước mắt người CCB già. Đôi chân như khuỵu xuống. Nước mắt tuôn rơi.
Thế là sau 4 tháng tìm kiếm, Đội quy tập, thân nhân, đồng đội cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của quân đội và nhân dân nước bạn Lào, liệt sĩ Hoàng Văn Đá và Nguyễn Văn Chiến đã được hồi hương về nước, bàn giao cho quê hương, thân nhân liệt sĩ. Hơn cả đó là tình cảm, nghị lực phi thường của chị Hoàng Thị Minh Mùi - em gái liệt sĩ Hoàng Văn Đá.
Đức Dục