GỌI CÔNG DÂN NHẬP NGŨ ĐỢT 2 – 2010: Mùa nhãn lồng - Mùa tuyển quân (09/09/2010)

Quên làm sao được những quả nhãn căng tròn, bóc lớp vỏ vàng mỏng sẽ thấy miếng cùi dày, đùng đục màu kem và mát lạnh, một mùi thơm dịu nhẹ cùng hương vị ngọt ngào thấm vào cơ thể. Mùa nhãn lồng năm nay, tôi còn được chứng kiến 5 huyện Mỹ Hào, Yên Mỹ, Văn Lâm, Tiên Lữ và Ân Thi đang chuẩn bị gọi thanh niên nhập ngũ đợt 2.Thôn làng rậm rịch, dưới tán những cây nhãn xum xuê thấp thoáng đôi trai gái, tốp thanh niên như đang chia tay, hò hẹn.

Đại tá Nguyễn Văn Phán, Chủ tịch Hội CCB kiêm ủy viên HĐNVQS tỉnh, có 20 năm công tác Hội và dường như năm nào cũng tham gia tuyển quân cho biết: Từ đợt 2 năm 2010, các đơn vị quân đội chỉ hiệp đồng, thống nhất chỉ tiêu, nắm hồ sơ, chốt quân số, dự lễ giao quân và chuyển quân về doanh trại. Địa phương thực hiện “tròn khâu”, từ đăng ký tuổi 17, các bước tuyển chọn đến tổ chức ngày hội giao quân. Đây là một chủ trương đúng, phù hợp với thực tế, tạo sự chủ động và phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị cơ sở, tiết kiệm kinh phí tuyển quân... Lần này, tỉnh có 1.000 thanh niên nhập ngũ với quyết tâm đi sâu vào chất lượng, hạn chế thấp nhất việc loại trả và bù đổi. Cả 5 huyện có 17.957 công dân trong độ tuổi, trừ miễn và tạm hoãn còn 11.685 công dân, tổng xét 8.855 người, loại về chính trị 96, về văn hóa 207, còn lại 8.552 công dân, gọi sơ tuyển đủ điều kiện 3.696 công dân. Nhưng cái khó của tỉnh là địa bàn nông nghiệp, ít việc và nhất là khi nông nhàn thanh niên thường đi làm ăn xa nên sơ tuyển và khám sức khỏe phải tổ chức chặt chẽ, nhiều lần, không để sót. Lúc này Đại tá Trịnh Kim Trung, Phó chủ tịch Tỉnh hội, người có 31 năm trong quân ngũ thì có 13 năm chiến đấu ở chiến trường Khu 5, mới tham gia: Truyền thống của Hưng Yên là “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, nay dân trí nâng lên, thời gian làm NVQS ngắn nên không những đủ chỉ tiêu mà còn không có đào ngũ, bỏ ngũ. Anh em ra đi phần nhiều hoàn thành tốt nhiệm vụ, trở về là nguồn cán bộ của địa phương. Tỉnh có 161 xã, phường, thị trấn thì 161 bí thư ở đấy là CCB, CQN...

Nhìn bề ngoài, anh Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng Tỉnh hội trẻ hơn cái tuổi Ất Mùi (1955) rất nhiều. Ban đầu tôi cũng nghi ngờ việc anh từng là lính công binh trên biên giới phía Bắc và nước bạn Cam-pu-chia, sau chuyển ngành về tỉnh. Anh kể, ở xã Phù Ủng, Ân Thi có Phạm Ngũ Lão (1255 - 1320) nhập ngũ trong trường hợp ngồi đan sọt bên đường làng. Mải nghĩ về binh pháp mà quân triều đình dẹp đường phải đâm giáo vào đùi mới biết, ông được Trần Hưng Đạo cảm phục mời lên kiệu cùng về bản doanh rồi trở thành danh tướng của nhà Trần. Nay dân làng vẫn mở hội ghi công hàng năm vào ngày 11 tháng Giêng. Phát huy truyền thống, năm 2009 Hội CCB huyện được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Chủ tịch Huyện hội là Trung tá Trần Quang Chử, nguyên cán bộ Phòng Thanh tra giám đốc Tòa án Quân sự Trung ương. Nhìn qua sổ sách, anh cho biết cuối tháng 4, Huyện hội đã có hướng dẫn về việc tham gia tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng của địa phương, là một chỉ tiêu thi đua của Hội; yêu cầu các chi hội, hội viên, nhất là hội viên có con trong độ tuổi thì chấp hành thật tốt. Tại Ân Thi, chỉ tiêu nhập ngũ là 245 thanh niên, chỉ tiêu khám được sức khỏe là 630 trường hợp; huyện đã điều khám 1.477 công dân; do chưa có kinh nghiệm nên đã bộc lộ thiếu sót nắm nguồn không chắc, bước sơ tuyển có 4 công dân chưa đủ tháng tuổi, 14 công dân sức khỏe loại 4 đến 6, có 5 công dân chỉ cao 1,54m trở xuống... Sau khi uốn nắn có 722 trường hợp được sức khỏe (cụ thể: thanh niên sức khỏe loại 1 là 408, văn hóa hết PTTH là 489, tuổi đời từ 18 đến 22 là 687), trong đó con đảng viên 63 cháu, có đơn tình nguyện 33 trường hợp, con CCB, CQN chiếm 30%, các chi hội đều thăm hỏi động viên và tặng quà, lưu niệm như chiếc khăn mặt, cây bút, quyển vở... Chất lượng năm nay cao hơn các năm trước. Ngay tại thị trấn Ân Thi có 3 cháu Hoàng Đức Công, Cáp Văn Đức và Hoàng Văn Thuy đều là con CCB, CQN, tuổi 18, 19 đều tốt nghiệp PTTH, cùng nhập ngũ đợt này và có nguyện vọng phục vụ quân đội lâu dài. Nay HĐNVQS huyện đang chốt quân số, tổ chức xét nghiệm HIV và phát lệnh gọi nhập ngũ, ngày 9-9-2010 tổ chức lễ giao quân cho Quân đoàn 2 và Quân khu 3.

Tôi chợt hỏi, quê mình có nhiều đợt nhập ngũ vào mùa nhãn lồng không anh. Nhiều chứ. Thiếu tá Lê Thật Kín, Phó chủ tịch Huyện hội trả lời: Tuyển quân đợt 2 năm nào buổi liên hoan cũng có chùm nhãn lồng để cùng với bành kẹo tiễn người đi. Tôi cũng nhập ngũ vào mùa nhãn năm 1968, 14 năm công tác ở Binh đoàn 12, những khi yếu mệt, thiếu muối đói cơm, mơ về quê hương thấy quả nhãn lồng đùng đục màu kem, với mùi thơm dịu nhẹ cùng hương vị ngọt ngào đã làm tôi khỏe lại, vững tin.

Bài và ảnh: Tô Kiều Thẩm