Chuyện tưởng như không thể đối với các trường đại học, kể cả công lập và dân lập, là năm nay nhiều trường thiếu sinh viên so với chỉ tiêu đăng ký; cả nước có khoảng 90 trường đại học xét tuyển bổ sung. Thậm chí có trường (xin được giấu tên) phải tuyển sinh bổ sung đến 1.600 chỉ tiêu, gấp 3 lần so với con số đã tuyển được đợt 1.

Ông Phó hiệu trưởng của trường nọ than: “Không hiểu thí sinh đang ở đâu”! Phong thanh các trường đã bắt đầu lên tiếng trách Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề ra quy định “cứng” là đến hết ngày 30-9, thí sinh dù đã có tên trong danh sách trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học trên hệ thống được xem là từ chối nhập học - điều này đồng nghĩa các trường đã kết thúc việc tuyển sinh.

Thế là ngụy biện! Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn toàn đúng, vì không thể không có hạn chót để “khóa sổ” được. Hơn nữa, quy định đó cũng xuất phát từ chính nguyện vọng của các trường, để sinh viên thấy nếu không sớm đăng ký sẽ không còn chỗ nữa đâu! (mẹo bán hàng).

Thí sinh đang ở đâu? Phải nói ngay rằng thí sinh không ở đâu cả. Thí sinh chỉ có thế thôi. Số không học tiếp lên đại học nữa có rất nhiều nguyên nhân, như học phí quá cao; các khoản đóng góp đầu năm học quá  lớn so với khả năng của gia đình. Trong khi cơ chế thị trường đang mở ra rất nhiều cánh cửa để mời gọi họ. Ví dụ như đi xuất khẩu lao động ở các nước, dễ đến mức con em đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Hà Tĩnh nói tiếng phổ thông chưa sõi mà vẫn trúng tuyển, lương tháng khoảng 20 triệu đồng...

Lỗi tại ai?

Tại chính các trường, thấy tuyển sinh dễ dãi, cứ “tưởng bở” thi nhau mở thêm ngành học, thi nhau nâng học phí (lại cứ lấy nước ngoài - mà toàn lấy những nước giàu có ra để làm mốc vươn tới). Còn nhiều những nguyên nhân nữa, khiến thí sinh phải bỏ ước mơ học tiếp lên đại học...

Nguyên nhân sâu xa của lỗi đó là do các trường còn đang chập chững bước vào cơ chế thị trường. Đã chưa hiểu thị trường, lại không để công tìm hiểu thị trường, trong khi lòng tham thì không đáy! Xin thôi, hạ đến đáy rồi; đừng “vét” thí sinh nữa, kẻo chất lượng thấp, khổ dân!  

Âu cũng là bài học cho năm sau tuyển sinh sát với thực tế hơn.

Nhật Huy