Trên thế giới từ chức là chuyện hết sức bình thường. Đương nhiên là phải từ chức, nếu để xảy ra những hậu quả ở địa phương, ngành mình quản lý; từ chức còn để “vớt vát” lại được những quyền lợi đương nhiệm, vì pháp luật quy định rất nghiêm, rất cụ thể đối với người bị mất chức. Từ chức cũng xuất phát từ lòng tự trọng của người lãnh đạo, quản lý… Còn ở nước ta xin từ chức như ông Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa trở nên của hiếm! Có lẽ cũng chính vì hiếm mà cấp trên vẫn phải rất cân nhắc làm ông không thực hiện được nguyện vọng của mình. Thực tế cho thấy không riêng gì tai nạn giao thông, vụ việc gì xẩy ra dù to hay nhỏ mà chả có nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan. Ranh giới của hai nguyên nhân ấy vốn rất mỏng manh, lại càng mong manh hơn khi quy trách nhiệm cho cấp quản lý. Nói do chủ quan cũng đúng, mà đổ lỗi cho khách quan cũng không sai!
Chính vì thế mà công tác quản lý cán bộ của nước ta cần sớm có sự thay đổi trong đánh giá, quy trách nhiệm với một tiêu chí chung là, khi đã nhận trách nhiệm quản lý điều hành một công việc gì để xẩy ra hậu quả, thì cho dù là nguyên nhân khách quan, hay chủ quan người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Vì trách nhiệm của người đứng đầu còn phải ngăn chặn không để nguyên nhân khách quan dẫn đến lỗi chủ quan. Đồng thời cũng có quy định cụ thể quyền lợi; nghĩa vụ với người xin từ chức và người bị cắt chức. Chỉ có như thế mới hình thành được “văn hóa từ chức” trong đời sống xã hội nước ta.
Mai Anh