Góc nhìn: Trách nhiệm chọn nguồn?
Không có ai trở thành cán bộ của Đảng lại không có tổ chức, cá nhân của Đảng giới thiệu - thường gọi là “chọn nguồn”.
Tổ chức thì rõ rồi, còn cá nhân thì thường - hoặc là bí thư, hoặc là một người nào đó - cũng có thể trong cấp ủy, cũng có thể là cấp trên, hay trong cơ quan tổ chức cán bộ giới thiệu...
Cán bộ càng ở cương vị cao thì danh tính người giới thiệu càng rõ.
Kết quả phấn đấu của người cán bộ đương nhiên không phải là hoàn toàn do khâu chọn nguồn, vì còn do nhiều nguyên nhân khác, nhưng phải khẳng định rằng, nếu chọn đúng, người cán bộ thường làm tốt, chọn sai thì ngược lại. Chính vì thế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới nhấn mạnh: Người làm công tác cán bộ “phải có con mắt tinh đời”!
Chọn sai cũng có nguyên nhân khách quan, như thiếu sâu sát, chưa tìm hiểu kỹ, hay “con mắt” người chọn chưa phải là “tinh đời”, nhưng chắc cũng không thiếu do tiêu cực, tham ô, hối lộ - thế mới có chuyện đàm tiếu “4 t...”.
Chọn nguồn có vị trí, ý nghĩa, thậm chí liên đới đến người mình giới thiệu như thế, nhưng lâu nay trong công tác cán bộ dường như không quan tâm đến trách nhiệm người chọn nguồn, nhất là người chọn nguồn sai.
Tìm ra nguyên nhân dẫn đến cán bộ vi phạm kỷ luật thực ra không còn là khâu khó, vì dựa vào kết quả của thanh tra, kiểm tra, điều tra... có thể chỉ ra được người cán bộ, đảng viên đó sai ở đâu, sai do đâu; có liên quan gì, sai gì đến người giới thiệu và quy trình giới thiệu hay không?
Có hay không có vi phạm trong khâu tuyển chọn, giới thiệu cũng đều là bài học quý cho công tác cán bộ của Đảng, nhất là ở khâu tuyển chọn chắc chắn sẽ chặt chẽ hơn, trách nhiệm hơn, bớt sai sót hơn.
Thiển nghĩ, công tác tổ chức cán bộ nên chăng có thêm quy định, ghi rõ tập thể, cá nhân giới thiệu qua từng chức vụ công tác, trong phiếu quản lý cán bộ; như mục “Người giới thiệu vào Đảng” trong lý lịch đảng viên.
Huy Thiêm