Góc nhìn: “Tiền trảm hậu tấu”

Hóa ra để bước vào cổng trường đại học, các sĩ tử vẫn tiếp tục phải trong tâm trạng thắc thỏm, thậm chí phó thác cho may rủi...

Đó là chuyện học phí. Vì có tới 26 trường vừa mới thông báo tăng học phí. Và chắc đây không phải là con số cuối cùng, thậm chí dư luận đoán chắc 100% các trường sẽ cùng tăng học phí!

Tất nhiên các trường tăng học phí trong khung trần quy định tại Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Nhưng khóa học này có tới 23 trường tự chủ hoàn toàn, mà liệt kê “thu đúng, thu đủ” thì cũng không phải dễ mà sinh viên theo nổi. Ví dụ như tạm tính đến nay (6-9) trường thu học phí cao nhất là 700 triệu đồng/một khóa học/một thí sinh.

Việc tăng, giảm học phí là lẽ đương nhiên, khi mà các trường đại học nói riêng, Ngành Giáo dục, đào tạo nói chung đang tiếp cận dần với cơ chế thị trường.

Nhưng điều cần bàn là lẽ ra các trường phải thông báo rất sớm tiền học phí tăng so với giá cũ, thậm chí thông báo trước cả tuyển sinh để thí sinh cân nhắc có đủ khả năng theo học hay không - thì lại thông báo quá muộn, sang đầu tháng 9 mới thông báo, khi mà hạn cuối thí sinh phải nộp nguyện vọng là 17 giờ ngày 20-8.  

Tất nhiên các trường cũng sẽ đưa ra được những lý do khiến đến nay mới thông báo được tăng học phí. Nhưng e rằng không phải tất cả, nếu như không muốn nói các trường chọn thời điểm thí sinh đã nhập trường để “nắm chắc đầu vào”.

Nhưng như thế “lợi bất cập hại”, vì có một quy luật bất thành văn là “học sinh nhà nghèo” thường có ý chí, nghị lực và học giỏi thật, khác với các “cô chiêu, cậu ấm” hay ham chơi hơn ham học và không quen được khổ… Dạy họ, giáo viên không vững là ngủ gật!

Nghĩa là trường để tuột mất thí sinh nhà nghèo, hoặc đẩy các em vào thế “ăn bữa sáng, lo bữa chiều”, khác gì mất “thí sinh vàng”?

Thiển nghĩ, từ mùa tuyển sinh sau nên bình đẳng, “cơ chế thị trường” với cả thí sinh. Đừng “đánh úp” các em kiểu “Tiền trảm hậu tấu” như thế!

Huy Thiêm