Góc nhìn: “Sư nói sư phải...”
Truyền thông lại đang tràn ngập câu hỏi: Có cần học đại học không?
Để phụ huynh và các “sĩ tử” khỏi mất thời gian, thì theo tôi là không nên sa vào tìm hiểu những nội dung đó nữa, vì đang có “hai phe” - (tạm gọi là phe đại học và phe trung cấp, học nghề) đang mượn truyền thông chọi nhau.
Những đại học cần “vét” đủ thí sinh thì “hót”, đại khái là “rất cần học đại học; bỏ cơ hội vào đại học là bỏ một điều kiện để vào đời tươi sáng hơn...”. Ngược lại bên trung cấp, dạy nghề... thì khẳng định là không nhất thiết phải học đại học, thậm chí còn khuyên khéo là trong tình hình hiện nay không nên học đại học...!
Đúng như dân gian có câu: “Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”. Tuy nhiên, đó lại là điều rất không nên, nhất là không nên trong lúc này, vì vừa làm cho gia đình và các em học sinh thêm rối trí, vừa chưa phản ánh một cách khách quan của câu hỏi trên, nếu như không muốn nói là lợi dụng diễn đàn để lôi kéo thí sinh.
Trước hết, phải khẳng định chắc chắn rằng học đại học không chỉ giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng của bản thân trong một lĩnh vực cụ thể, mà còn cho người học những cơ hội nghề nghiệp tốt hơn... Tóm lại học lên được đại học đương nhiên là tốt hơn.
Nhưng, cũng chính vì thế mà vào học đại học khó hơn; trước hết yêu cầu “cần có” là bản thân phải đủ khả năng thu nhận được kiến thức của cấp đại học (không phải bạn nào cũng đủ khả năng tiếp thu kiến thức cấp đại học) - ngoài ra còn phụ thuộc vào hoàn cảnh cả khách quan và chủ quan của từng người, từng địa phương, từng ngành nghề...
Đó là chưa nói học để lấy kiến thức, bằng cấp đi làm. Nhưng trong thực tế có những ngành nghề học xong, kể cả là bằng giỏi ra trường vẫn không xin được việc theo đúng nghề mình học, do đã “đủ chỉ tiêu tuyển dụng...” chẳng hạn.
Có một “cạm bẫy” nữa là, tình trạng các trường đại học đang “trăm hoa đua nở” như hiện nay; tuy dễ “trúng tuyển”, nhưng mỗi thí sinh lại càng phải cân nhắc kỹ hơn, kẻo “ngồi nhầm chỗ” khổ cả người dạy, khổ cả người học và khổ cả gia đình!
Huy Thiêm