Góc nhìn: Sao lụt trên cao?
Đoạn video trên mạng xã hội đang thu hút tới hàng triệu lượt người xem - là chủ nhà quay hình ảnh đàn cá mương với con cá trê to bằng cổ tay đang bơi tung tăng trong ngôi nhà kiên cố ngập nước sâu chừng 30cm, ở xã Liên Phương, huyện Thường Tín, T.P Hà Nội.
Cũng ở Hà Nội, đại lộ Thăng Long lần đầu tiên bị ngập sâu có đoạn tới 50cm; còn trong “phố cổ” thì khoảng 2 năm về trước kể cả mưa lớn cũng rất ít khi ngập úng, nhưng bây giờ thì “cứ mưa là ngập”!
Thế là không chỉ ở xã Chiềng Đen, T.P Sơn La hiện còn tới 50 hộ dân vẫn đang bị ngập sâu trong nước; cũng không chỉ Điện Biên, lũ quét, sạt lở đất làm 2 người chết, 5 người mất tích...
Tính ra sơ sơ đợt mưa mấy ngày qua cả nước đã có tới hơn 100 người chết, thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng... Mà địa bàn ngập úng lại toàn ở, hoặc trên vùng cao như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái…; hoặc ở phố phường đông đúc như Hà Nội, Đà Lạt, Phú Quốc...?
Phải khẳng định ngay rằng nguyên nhân chủ quan chính là do tác động của con người: Vùng cao thì chặt phá rừng, khai thác tài nguyên rừng bừa bãi khiến đồi núi bị sói mòn, lấp sông, lấp suối, ngăn nước mưa gây ngập lụt, sạt lở đất. Còn ở phố phường, khu dân cư đông đúc thì thiếu đồng bộ trong quy hoạch; tình trạng xây dựng công trình dưới, lấp hệ thống thoát nước của công trình trên đang xảy ra rất phổ biến...
Điển hình như đại lộ Thăng Long vừa ngập lụt có hàng trăm công trình xây dựng đang thi công hai bên đại lộ, hầu như lấp hết hệ thống thoát nước từ nội đô đổ ra, trong khi mức nước sông Nhuệ lại cao hơn nền đường gom, hầm chui dân sinh...
Cứ theo thành ngữ “nước chảy chỗ trũng” thì lụt trên cao chính là do ta làm ngược quy luật của tự nhiên. Mới thấy, đề xuất của tỉnh Sơn La xây hầm tiêu thoát lũ, chống ngập úng ở T.P Sơn La nghe ra vẫn không trúng; mà không khéo lại tốn tiền dân!
Huy Thiêm