Góc nhìn: “Lắm sãi không ai đóng cửa chùa!”
Một nhà dân ở quận Hoàng Mai, T.P Hà Nội lại cháy. Thương tâm quá, bốn bà cháu kêu cứu mà không sao cứu được, do trên tầng cao, lửa bốc ngùn ngụt, lại không có cửa thoát hiểm...!
Cũng như những vụ cháy khác, chính quyền thành phố đến chỉ đạo khắc phục hậu quả; thăm hỏi, động viên gia đình và yêu cầu làm rõ nguyên nhân vụ cháy... Tất nhiên, rồi đây sẽ sớm có kết luận chính xác của cơ quan điều tra.
Nguyên nhân chủ quan do ý thức trong PCCC của người dân thì rõ rồi. Nhưng còn nguyên nhân khách quan là công tác kiểm tra, giám sát của chính quyền và các ngành, các cấp, thì có một thực tế là xử lý, kỷ luật, rút kinh nghiệm... mãi, nhưng vẫn mắc, nếu như không muốn nói là vẫn thế!
Cũng không chỉ Hà Nội mà hầu như ở địa phương nào nguy cơ cháy nổ cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào, mặc dù đủ các loại quy định, kể cả Luật về PCCC đã được ban hành và có hiệu lực ngay từ ngày 4-10-2001, quy định cụ thể, rõ ràng, khoa học đến từng chi tiết nhỏ trong PCCC.
Ví dụ, quy định nhà chung cư mini cao từ 5 tầng trở lên thậm chí phải “có lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành tương ứng với loại hình cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy; tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ...”.
Vậy tai sao, do đâu?
Rõ ràng là do người thực thi công vụ hoặc là chưa làm tròn trách nhiệm của mình; hoặc là chồng chéo, không rõ trách nhiệm. Ngay như ngôi nhà vừa bị cháy, để gia chủ biến tầng hai, tầng ba thành nhà kho đựng các vật liệu dễ cháy, có thể quy trách nhiệm cho chính quyền cơ sở; cũng có thể quy trách nhiệm cho Công an PCCC...
Nhất là vi phạm PCCC trong xây dựng nhà dân dụng thì đang rất phổ biến; kiểm điểm thấy đâu cũng có lỗi cả, nhưng khó quy trách nhiệm! Đã đến lúc phải rà soát lại, tinh gọn bộ máy chính quyền cơ sở, sao cho vừa khắc phục được chồng chéo, vừa tránh tình trạng “lắm sãi không ai đóng cửa chùa”.
Ví dụ, như Thanh tra xây dựng, trong cơ chế hiện nay hoàn toàn có thể quản lý bằng các công ty tư nhân như nhiều nước trên thế giới đang thực hiện; vừa khắc phục được tiêu cực, vừa giảm được biên chế nhà nước.
Có ý kiến đàm tiếu nói rằng, món ngon thế ai muốn nhả ra!
Huy Thiêm