Góc nhìn: Lại chuyện phát động mặc áo dài!

Khởi phát từ sự kiện “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” do T.Ư Hội LHPN Việt Nam phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Hội, năm 2020.

Sau đó, không chỉ Hà Nội mà có hàng chục tỉnh, thành trong cả nước phát động phụ nữ mặc áo dài; mỗi nơi quy định một khác, cơ bản là vận động, nhưng cũng có những tỉnh cao hứng quy định bắt buộc!

Chả biết chính xác đến mức nào, nhưng theo lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk, thì hiện nay Hội LHPN tỉnh và các cơ quan, đơn vị khác trên địa bàn đã thực hiện 100% cán bộ nữ mặc trang phục áo dài đi làm vào ngày thứ 2 hằng tuần. Các nữ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện mặc áo dài từ ngày 2-3 đến 8-3 hằng năm...

Gần đây nhất Hà Nội “tiến lên” một bước, phát động luôn “Tháng áo dài”... Nhiều cơ quan truyền thông vào cuộc, gọi nhà báo, nhà văn hóa, nhà nghệ thuật... tham gia diễn đàn; lạ là tất cả đều tỏ lời ủng hộ... mà bỏ qua những ý kiến trái chiều, thành ra có người đa nghi bảo: “Lại ăn phải bả của đầu nậu áo dài rồi”.

Nói về ý nghĩa, vẻ đẹp đặc biệt của áo dài Việt Nam, thì giờ ai có nói bóng bẩy mấy cũng không hay, không đầy đủ bằng sử sách trong nước và thế giới đã ghi nhận áo dài Việt Nam. Chả thế mà từ "áo dài" đã được đưa nguyên bản vào từ điển Oxford (từ điển tiếng Anh đầu tiên - 1857) và được giải thích là một loại trang phục của phụ nữ Việt Nam...

Còn cố GS. TS, Nhà văn hóa Trần Văn Khê, tại một diễn đàn quốc tế, sau khi dẫn hai câu thơ của Văn Tiến Lê: “Đơn sơ hai mảnh tuyệt với/ Thân sau vạt trước thành lời nước non”, ông nói đại ý: Dường như tạo hóa dành riêng chiếc áo dài cho phụ nữ Việt Nam...

Ca ngợi như thế, nhưng không có nghĩa tuổi nào, lúc nào, ở đâu mặc áo dài cũng được. Đó là chưa nói, có người mặc áo dài rất đẹp, nhưng công việc lại không phù hợp, thậm chí là không cho phép để mặc...

Thiển nghĩ, Hà Nội nói riêng, phụ nữ cả nước nói chung đừng quy định ngày, giờ và đừng vận động phụ nữ mặc áo dài vào những ngày cụ thể; để rồi, khi “phát” thì hay, nhưng “động” lại dở!

Nhật Huy