Góc nhìn: “Khó như trượt đại học” !
Với hình thức tuyển sinh mới như năm nay thì chỉ trừ những thí sinh “điểm quá tệ” còn cơ bản là vào được đại học - nếu thí sinh muốn.
Thực ra không có gì phàn nàn cách tuyển sinh mới này, thậm chí ngược lại là rất đồng tình ủng hộ Bộ Giáo dục - Đào tạo đã tiếp tục áp dụng phương pháp tuyển sinh đại học chủ yếu là căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT (viết tắt là phương pháp mới) như năm 2022.
Đây cũng là cách xét tuyển đại học được thực hiện từ lâu của nhiều nước tiên tiến trên thế giới mà nước ta vận dụng làm theo; khác là trường đại học các nước, nhất là những trưởng có uy tín làm “rất chặt” đầu vào, hầu hết có môn thi trắc nghiệm riêng.
Khỏi phải nói tính ưu việt của phương pháp tuyển sinh mới này, nhất là giúp thí sinh có cơ hội thực hiện ước mơ được học tiếp lên đại học; nhưng không phải không có mặt trái, nhất là với nước ta, khi mà các trường đại học “mọc lên như nấm”, nhiều trường “tốp cuối” lại đặt mục tiêu lấy số lượng thi tuyển sinh làm đầu...
Thế mới có chuyện một số trường tuyển sinh Ngành Y không xét môn sinh học! Có nhiều cạm bẫy, nhưng cạm bẫy dễ mắc nhất là thí sinh chọn môn học không đúng với năng lực, sở trường của bản thân, dẫn đến “tiền mất, tật mang” - ra trường lại chán làm theo nghề mình học.
Đứng trước quyết định chọn môn học, thí sinh và gia đình thí sinh; thậm chí cần cả tư vấn để biết bản thân mình phù hợp với ngành gì thì chọn trường mới tránh được tình trạng “vào trường ào ào, ra trường lao xao đi tìm việc” như đã và đang diễn ra hiện nay.
Cũng phải nhấn mạnh, khoa học đã khẳng định mọi người sinh ra trên trái đất này mỗi người một khác, không có ai giống ai tuyệt đối. Chính vì thế, đúng ra nhiệm vụ trước hết của Giáo dục phổ thông là giúp học sinh biết được sở trường, sở đoản của bản thân trước khi chọn nghề vào đời, việc này nước ta còn rất hạn chế, hầu như chưa làm!
Nghĩa là nếu thí sinh nào còn chưa nhận ra vào đời mình muốn làm gì, mình thích làm gì thì vẫn phải rất cân nhắc trước khi đặt bút đăng ký nguyện vọng vào học ở các trường đại học. Như thế cũng để thấy, có khi, có thí sinh quyết định không học tiếp lên đại học cũng lại là quyết định đúng.
Huy Thiêm