Góc nhìn: Gieo nhân nào, gặp quả ấy

BCCBVN - Những ngày qua, câu chuyện về Công hàm năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng lại được khuấy lên mạnh mẽ. Việc bóp méo sự thật từ phía Trung Quốc đối với nội dung công hàm này đã được các học giả trong và ngoài nước làm rõ. Chỉ xin điểm lại vài nét về hoàn cảnh ra đời của bản công hàm, để thấy rõ nhiều hơn sự thật.
Năm 1958, cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai nổ ra. Trong bối cảnh lãnh thổ đang bị đe dọa chia cắt, việc Trung Quốc ra tuyên bố về lãnh hải bao gồm đảo Đài Loan trước hết nhằm khẳng định chủ quyền trên biển của Trung Quốc.
Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra đời trong bối cảnh quan hệ đặc thù Việt Nam Dân chủ cộng hòa -Trung Quốc lúc đó "vừa là đồng chí vừa là anh em". Đó là một cử chỉ ngoại giao tốt đẹp thể hiện quan điểm ủng hộ của Việt Nam Dân chủ cộng hòa với chính sách sau này được gọi là “Một Trung Quốc”.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã lồng ghép thêm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào bản tuyên bố. Tỉnh táo trước âm mưu ấy, Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã không có một chữ nào đề cập tới việc Việt Nam từ bỏ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hơn nữa, về mặt pháp lý, Công hàm này cũng không có ý nghĩa quyết định việc công nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về ai.
Ngược lại chút lịch sử để thấy, Việt Nam đã “đối xử” với Trung Quốc bằng một tấm chân tình thực sự, với mong muốn đất nước Trung Hoa toàn vẹn, không bị chia năm, xẻ bảy, nhân dân Trung Hoa được sống trong hòa bình. Đó là chưa nói, năm 1949, bộ đội Việt Nam còn tấn công giải phóng vùng Trúc Sơn thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ tay các lực lượng khác rồi trao trả lại cho Trung Quốc.
Thế nhưng, chính quyền Trung Quốc lại sử dụng chính cái lòng tốt ấy, rắp tâm cưỡng đoạt vùng biển đảo thuộc chủ quyền của bạn bè, đồng chí. Những hành động hung hăng của Trung Quốc hiện tại không những gây sứt mẻ tình đoàn kết hai nước anh em mà còn gây bất ổn định cho cả khu vực và thế giới.
“Gieo nhân nào, gặt quả nấy”, triết lý của nhà Phật cũng là triết lý phổ biến ở văn hóa phương Đông. Lợi dụng lòng nhân của người khác để gây hại cho người, thu lợi cho mình thì “gặt quả” gì? Chắc hẳn, Trung Hoa - cái nôi của văn hóa phương Đông- thấu hiểu điều ấy!

Huy Quân