Góc nhìn: “Dưới” đá “trên”!
Những ngày này, lẽ ra báo chí phải dành thời lượng chính cho chuyện “năm hết Tết đến”..., nhưng vẫn không thể; khi được loan tin về đề xuất nhà giáo phải có Giấy chứng nhận nghề nghiệp, đưa vào xây dựng Dự án Luật Nhà giáo.
Hầu như tờ báo nào cũng dành “đất vàng” để góp phần đưa thêm “một tiếng nói” không đồng tình đến Quốc hội và Bộ chủ quản, là: Rất không cần thiết, vì vừa rườm rà, vừa tốn kém công sức, tiền của, trước hết là của đội ngũ giáo viên trong cả nước vốn đã, đang chịu rất nhiều áp lực của cả “cơm, áo, gạo, tiền” và dư luận xã hội rồi...
Báo Dân Trí còn lập cả mục thăm dò ý kiến dự luận; “loáng cái” đã nhận được 2.588 ý kiến (15 giờ ngày 29-1); trong đó có tới 2.053 ý kiến không đồng ý nhà giáo phải có Giấy chứng nhận nghề nghiệp, còn 487 ý kiến đồng ý... Các ý kiến “dãi bày” thì thôi rồi... sâu sắc cũng thật là sâu sắc, mà phê bình, chê trách cũng thật là chua cay!
Có lẽ cũng vì phản ứng của dư luận bảy tỏ không đồng tình, một số cán bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (DGĐT) “lên tiếng” cho rằng đó là vì để “Đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; đảm bảo năng lực chuyên môn, đạo đức ứng xử chuyên nghiệp...”.
Ngay sau đó, một ý kiến khác, chắc nhằm “hạ hỏa” dư luận, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GDĐT thì lại nói: "Giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ được cấp theo hướng đơn giản, thuận lợi cho Nhà giáo, không đòi hỏi hay phát sinh nhiều thủ tục, không thu phí. Những Nhà giáo đang giảng dạy ở các cơ sở giáo dục, trường chỉ cần lập danh sách và cơ quan quản lý giáo dục cấp giấy chứng nhận, không cần thủ tục gì cả...”.
Thủ tục cấp nhanh, gọn thế thì sao bảo đảm chất lượng? Thật đúng là người “nói dưới” đá luôn người “nói trên”! Khi mà còn “đá” nhau ngay trong Bộ thì, Bộ GDĐT lại càng cần phải nghiêm túc lắng nghe ý kiến của dư luận để tiếp thu.
Huy Thiêm