Chuyện thứ nhất. Nhà đầu tư tỉnh Đ kể rằng, sau khi Cty làm hồ sơ xin được cấp phép đầu tư dự án gần 200 hec-ta dự án vùng ven hồ trung tâm thị xã, đã đền bù cho dân nhiều tỷ đồng, hoàn thành các thủ tục về đầu tư.
Trong một cuộc họp giữa các sở ngành chức năng và nhà đầu tư cùng Chủ tịch UBND tỉnh, tất cả đều biểu quyết ủng hộ nhà đầu tư này thực hiện dự án - đồng thời hứa 3 ngày nữa nhà đầu tư sẽ nhận được quyết định(QĐ) do ông Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Một tuần sau, nhà đầu tư vẫn chưa nhận được QĐ, gọi điện hỏi, thì vị chủ tịch UBND tỉnh nói, cư đến gặp trưởng phòng tên Th của Sở Kế hoạch-đầu tư tình.
Nhà đâu tư tìm gặp trưởng phòng Th thì được ông này cho biết, nếu đồng ý cắt cho ông 5 hec-ta đất trong dự án, thì sẽ có ngay QĐ, còn nếu không … thì còn phải tiếp tục chờ... Nghe xong nhà đầu tư quá bức xúc. Vì để có Giấy phép chứng nhận đầu tư(GCNĐT), trước đây ông trưởng phòng này đã yêu cầu nhà đầu tư phải “thông cảm và hiểu cho…” . Và để đạt được sự thông cảm tế nhị ấy nhà đầu tư đã phải ra ngân hàng rút hàng chục ngàn USD để thể hiện sự “thông cảm”?! Bây giờ lại phải cắt 5 hecta đất trong khu dự án tặng cho trưởng phòng Th thì mới có GCNĐT, mặc dù đã hơn 3 năm, tính từ ngày ông chủ tịch UBND tỉnh hứa trước mặt các giám đốc sở, cái QĐ trên vẫn chưa được Chủ tịch tỉnh ký?
Được biết, trước đó có các đại diện của Becamex Bình Dương, Sài gòn Tourit cũng được tỉnh mới thành lập này kêu gọi đầu tư. Họ hăm hở đi khảo sát, đàm phán, ghi nhớ, nộp hồ sơ làm thủ tục… nhưng rồi cũng phải “bỏ của chạy lấy người” vì sợ phải “đầu tư ngược”. Họ thành thực nói: “Chúng tôi là những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Với tính toán đầu tư làm ăn hiệu quả, ngoài nộp thuế và làm nghĩa vụ, đương nhiên chúng tôi biết mình cần làm gì thêm cho xã hội nơi đầu tư. Khi DA đang mới đầu tư như trứng nước rất cần lãnh đạo địa phương hỗ trợ, động viên tạo điều kiện để DN sớm triển khai đưa DA vào hoạt động. Tuy nhiên chúng tôi cảm thấy, những người có trách nhiệm trong lĩnh đầu tư của tỉnh dường như họ muốn ăn cả trứng cả con”
Chuyện thứ hai. Một nhà đầu tư vào tỉnh T N, thuộc Miền Đông Nam Bộ cho biết, khi biết tỉnh có một DA đang gặp khó khăn (vì trước đó DA đã được giao cho một công ty vốn Nhà nước của tỉnh xây dựng, nhưng sau đó gặp khó khăn và thiếu vốn nên đành bỏ dở khi mới làm được gần một nửa DA), nhà đầu tư này đã làm đơn xin nhận DA với 100% vốn do các cá nhân của Cty bỏ ra. Trong quá trình làm giấy tờ thủ tục để được nhận giấy phép thực hiện DA, nhà đầu tư cũng lại “bị” một trưởng phòng tên B của sở KHĐT gợi ý: “Em đang muốn mua xe Ô-tô để đi lại làm việc, khoảng 250 triệu đồng, anh giúp em nhé!”. Nhà đầu tư nói: “Bây giờ anh đang dồn tiền lo khởi công DA, anh gửi em một ít trước, sau này có điều kiện về tài chính sẽ hỗ trợ em sau”.
Nửa năm sau khi DA đang triển khai, mà Trưởng phòng B vẫn chưa thấy nhà đầu tư hỗ trợ, lo xe cho anh ta đi lại, nên luông tìm cách gây khó khăn cho DN. Kết quả là nhà đầu tư nhận được QĐ đòi thu hồi DA do Sở KHĐT tham mưu đệ trình lên UBND tỉnh ký - với lý do không thuyết phục, rằng đã vi phạm khoản 2, Điều 64 Luật Đầu tư (nhà đầu tư đã bỏ vào DA gần 20 tỷ đồng), trong khi còn tới 8 tháng nữa mới hết thời hạn thực hiện DA . Ở trường hợp này, UBND tỉnh đã vận dụng sai pháp luật, thể hiện thiếu thiện chí của lãnh đạo tỉnh và cơ quan tham mưu với với nhà đầu tư. Một giám đốc doanh nghiệp nói với tôi rằng: “ Nghe mà sợ. Chúng tôi không dám về TN đầu tư, vì ở đây thiên thời, địa lợi đã có nhưng “nhân ở đây không hòa”.
Đất nước ta đang thời kỳ phát triển và hội nhập, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi trong kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều địa phương đang làm rất tốt chính sách kêu gọi đầu tư, thì lại có những địa phương để cho cơ quan chức năng gây khó khăn, vòi vĩnh đòi “đầu tư ngược” như hai tỉnh trên. Chúng tôi mang chuyện chia sẻ với một số chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư, thì được phản hồi rằng: E là tình trạng đầu tư ngược không chỉ có ở 2 tỉnh đó đâu.
Thật buồn khi nhận được những chia sẻ đó. Hành vi trên nếu được coi là phổ biến, thì ngành đầu tư cần phải nghiêm túc rà soát lại, có biện pháp quyết liệt khắc phục. Bởi vì đây là hành vi làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân, đi ngược lại với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; làm xấu hình ảnh Việt Nam trong lĩnh vực thu hút đầu tư./.
Tuyết Hương