Góc nhìn: Có lợi, dân tất làm!
Những ngày cuối cùng của năm 2013, hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ ở Hà Nội” được Viện Bảo tồn di tích tổ chức.
Nhìn vào hình thức, có vẻ như việc giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân tại các di sản đã được quan tâm kịp thời.
Tư duy trước đây trong việc bảo tồn di sản vẫn luôn là rà soát lại vốn di sản, sau đó áp dụng những giải pháp hợp lý nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của di sản. Tư duy ấy hoàn toàn đúng! Chỉ chưa đúng ở cách làm!
Cách làm phổ biến là chạy đua lên phương án bảo vệ di sản, rồi vì nhiều nguyên nhân, phương án dẫm chân tại chỗ. Và kết cục, người dân- những người được coi là chủ nhân của di sản - chịu khổ vì “quy hoạch treo”.
Tại hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ ở Hà Nội”, nhiều ý kiến đáng giá đã được đưa ra. Đó là những giải pháp như hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ theo luật Di sản văn hóa và luật Thủ đô. Ngoài ra, cần nâng cao công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ, công tác quản lý, tuyên truyền, thay đổi cách ứng xử của người dân với di tích.
Những giải pháp trên cũng cần, nhưng có lẽ, yếu tố cần hơn cả trong việc bảo tồn di sản là lợi ích của người dân sống trong di sản. Điều này được minh chứng rất rõ ràng tại đô thị cổ Hội An. Ở đó, di sản trở thành nguồn sống chính của người dân. Vì thế, tất yếu người dân phải có ý thức gìn giữ di sản như “miếng cơm, manh áo” của mình.
Làng cổ Đường Lâm hay phố cổ Đồng Văn cũng vậy! Có lẽ không cần đầu tư nhiều cho hội thảo, cho việc hoạch định chính sách… mà hãy dồn hết những kinh phí đó đầu tư biến các di sản thành nguồn sống cho người dân trong di sản. Có lợi, dân tất gìn giữ cẩn mật di sản!
Huy Quân