Góc nhìn: Chưa sát lắm!
Cộng đồng mạng đang bàn tán về bức tranh biếm họa trên bìa 4 của Báo Tuổi trẻ cười, vừa phát hành ngày 1-7, chê trách tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm việc khác.
Bức tranh biếm hoạ vẽ cách điệu vỉa hè chông chênh, chật chội như một con thuyền đang lênh đênh trên sóng nước, chở ba người - hai ông cao to hai bên, còn một ông nhỏ thó ở giữa, vừa gầm gừ, vừa cãi nhau... Hai ông to thì nói như quát, đại ý cần thuê vỉa hè để kinh doanh, cần đỗ xe. Ông còn lại phân trần: Cần chỗ đi bộ... Nhìn họ cứ như sắp đánh nhau. E là hình ảnh chưa nói hết lên được, tác giả vẫn phải thêm chú giải: “Thân phận vỉa hè: Làm dâu trăm họ”.
Đúng là phê phán tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm, sử dụng vào công việc khác, điển hình như T.P Hà Nội, thì viết cũng khó lột tả hết được, chứ chưa nói lại là tranh biếm họa. Điều đó để sẻ chia cùng tác giả. Nhưng cũng phải nói thêm, theo giải nghĩa thành ngữ “Làm dâu trăm họ” - là “Phải phục tùng và làm vừa lòng nhiều đối tượng với những yêu cầu, đòi hỏi khác nhau; chịu sự kiểm tra, xét nét của nhiều người”, thì ví von như trên cũng chưa thật sát lắm.
Này nhé, cũng là vỉa hè, nhất là ở chốn “không đô hội”, thì vỉa hè đích thực là vỉa hè dành cho người đi bộ. Còn vỉa hè ở những nơi “hái ra tiền” thì mới “được” tranh giành như thế. Đó là chưa nói chuyện vỉa hè “chịu sự kiểm tra, xét nét của nhiều người”. Thực tế cho thấy có chăng thì kiểm tra, hoặc chỉ kiểm tra một cách hình thức, nên vỉa hè mới “khổ” như thế.
Có nhà hiền triết nói rằng: “Mọi sự so sánh đều là khập khiễng”. Nhưng nếu ví von kiểu “văn nghệ” thì có lẽ, ví “thân phận vỉa hè - kiếp đào hoa” - nghe thế thấy gần hơn!
Huy Thiêm