Góc nhìn: Chữ xấu!
Mấy tháng nay Chính phủ; các ngành; rồi cả xã hội sôi sùng sục, chung tay tìm hướng giải quyết những khó khăn của Ngành Y tế, như thiếu thiết bị, thiếu thuốc, bệnh viên xây dở dang rồi bỏ hoang, bác sĩ xin thôi việc “chạy” ra ngoài…
Đùng một cái, lại phát hiện ra một hệ lụy nữa, thông qua mạng xã hội phản ánh, là tình trạng bác sĩ viết chữ xấu đến mức kê đơn xong, đưa lại cho bác sĩ đọc, cũng không đọc được! Nên mới có chuyện: “Chữ như chữ bác sĩ”!
Tưởng chuyện nhỏ hóa ra nguy thật: Đã có không ít bệnh nhân mang đơn về nhà mua thuốc, các dược sĩ chịu! không biết là thuốc gì nữa, liều dùng cũng viết loằng ngoằng... Lại còn hài hước đến mức bệnh nhân nọ đưa lại cho chính người kê đơn. Người kê đơn đọc chữ mình cũng không luận ra…
Nguyên nhân bác sĩ viết chữ xấu, trao đi, đổi lại cũng có chuyện, một vài bác sĩ cố tình viết loằng ngoằng để bệnh nhân phải mua thuốc ở những cửa hàng “thân” với bác sĩ, nhưng chủ yếu là viết xấu quen rồi, không thể viết lại rõ ràng được, chứ chưa nói viết đẹp. Và một giải pháp tiêu cực là phải kê đơn bằng viết trên máy!
Nhưng xã hội ta bây giờ lại không chỉ bác sĩ viết chữ xấu, mà phổ biến ở thế hệ từ 10 đến dưới 40 tuổi. Dưới 10 tuổi tuy chữ không đẹp, nhưng còn đọc được, vì các em còn đang được các thầy, cô giáo rèn “vở sạch, chữ đẹp” trong trường.
Còn thế hệ ngoài 40 tuổi, càng tuổi cao càng có nhiều người viết chữ rõ và đẹp, nhưng càng ngày càng ít đi, nguyên nhân là do được rèn giũa viết chữ từ nhỏ và chủ yếu viết bằng bút trên giấy.
Tóm lại viết chữ xấu là do không được coi trọng trong giai đoạn học phổ thông. Đến lúc đi làm, nếu phải viết thì viết trên máy vi tính, máy điện thoại; số lao động chân tay thì thậm chí quên hẳn chữ viết, nói gì đến viết rõ, viết đẹp. Bác sĩ do phải kê đơn, liên quan đến bệnh nhân nên “lộ ra chữ xấu”, chứ không chỉ bác sĩ viết chữ xấu.
Đã đến lúc không thể xem nhẹ chữ viết được nữa, nếu không muốn mất chữ viết. Một xã hội không viết được chữ là một xã hội mất gốc!
Nhật Huy