Góc nhìn: Chống “Phong trào hình thức”
Đúng vào những ngày cả nước sôi nổi kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát động phong trào thi đua chung tay “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi cả nước từ nay đến năm 2025.
Đây là phong trào hết sức có ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc.
Tuy nhiên để tránh hình thức, lại đòi hỏi phải có hàng loạt những giải pháp hết sức cụ thể, thậm chí cụ thể tới từng căn nhà. Vì mỗi người nghèo có nhà dột nát do nguyên nhân khác nhau, nên cách làm cũng phải khác nhau mới huy động được nguồn lực tiềm tàng trong dân - với tinh thần “Lá rách ít, đùm bọc lá rách nhiều”; “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”...
Nhất là động cơ của phong trào, là vì giúp người nghèo thoát khỏi nhà dột nát, hay vì số lượng để “đánh bóng thành tích”!, thì sẽ dẫn đến phong trào “chết yểu”, hay để lại những hậu quả đáng tiếc, như “quyết” làm bằng được đường cao tốc ở một số địa phương vừa qua, nay đang phải khắc phục hậu quả.
Lường trước những mặt trái có thể xảy ra, trong Lễ phát động, Thủ tướng đã chỉ rõ: “Một mục tiêu, hai phát huy, ba bảo đảm” và nhấn mạnh người đứng đầu, phát huy cao nhất trách nhiệm nêu gương, tính tiên phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo theo tinh thần “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Thực hiện các công việc một cách chủ động, tích cực, hiệu quả, không màu mè, hình thức, không trông chờ, ỷ lại, không đùn đẩy trách nhiệm.
Mục tiêu đến năm 2025, xóa hết 170.000 căn nhà dột nát, nhà tạm, tuy không phải là nhỏ, nhưng cũng không phải là quá khó nếu cả nước nghiêm ngắn “nói” và “làm” theo phát động của Thủ tướng.
Nhật Huy