Gỡ “quả bom nổ chậm” nhà chung cư!
Trên diễn đàn Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời chất vấn, vừa nói đại ý: Nước ta quản lý vàng ngược với các nước trên thế giới.
Nhưng có lẽ không chỉ quản lý vàng mà quản lý nhà chung cư cũng không giống nước nào. Ví dụ, như quyền sở hữu nhà chung cư. Xây xong, bất luận kiên cố hay không kiên cố, chủ đầu tư cứ vô tư cấp cho người mua một “sổ hồng” - Giấy sử dụng căn hộ và không hề quy định thời hạn sở hữu của căn hộ. Nghĩa là căn hộ thuộc về người mua sở hữu lâu dài.
Trong khi hầu hết các nước trên thế giới đều quy định “thời hạn sở hữu” - ghi rõ trong Giấy sử dụng căn hộ, ví dụ Singapore, Mỹ có thời hạn sở hữu tối đa là 99 năm; Trung Quốc 50-70 năm, Thái Lan 30 năm... Hết thời hạn sử dụng, Nhà nước sẽ thanh tra, giám định lại ngôi nhà để nếu còn an toàn thì gia hạn sử dụng; không an toàn thì phá đi xây lại - đương nhiên những người mua căn hộ trong ngôi nhà cũng không có quyền ở nữa.
Không quy định rõ ràng thời hạn sử dụng căn hộ như nước ta, trước hết là phi khoa học, vì ngôi nhà nào rồi cũng đến lúc hỏng, nhanh hay chậm là phụ thuộc vào cả chất lượng xây dựng và những yếu tố khách quan khác; hai là, vô hình trung đánh lừa người mua - “cấp” cho người mua “giấy chây ì, đòi hỏi không hợp lý”. Cụ thể, như hiện nay các căn nhà tập thể ở Hà Nội xuống cấp không xây lại được, vì đòi hỏi vừa vô lý, vừa không có “tiếng nói chung” của các căn hộ trong ngôi nhà.
Cách ghi không có thời hạn sử dụng căn hộ, bên lời nhất là chủ đầu tư, tha hồ mà thổi giá, lập lờ quảng cáo bằng “những lời có cánh” với khách hàng… Bán xong, vài năm chủ đầu tư biến mất, chỉ còn các hộ “cãi lộn nhau”, trong khi ngôi nhà thì đang dần xuống cấp theo thời gian.
Bộ Xây dựng nước ta vừa bắt đầu rục rịch thảo văn bản trình Chính phủ đề nghị sửa đổi Luật Nhà ở 2014 - đề xuất bổ sung quy định mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong nội dung chính sách về sở hữu nhà ở thay cho quy định thời hạn sở hữu lâu dài như hiện nay, để trình Quốc hội thông qua.
Mới thế, đã vấp phải những phản đối rầm rầm từ dư luận rồi. Nào là bỏ rơi những người đã mua chung cư; nào là truyền thống văn hóa Việt Nam, khác truyền thống văn hóa các nước… Không biết do các chủ đầu tư bất động sản “mua” dư luận, hay do khách hàng, ai đó “cạn nghĩ” mà phản đối một sửa đổi đúng, mang lại công bằng cho người mua - tuy quá muộn mằn của Bộ Xây dựng?
Sửa ngay mới dần tháo ngòi được “quả bom nổ chậm” nhà chung cư - không sửa là lừa người mua căn hộ chung cư.
Huy Thiêm