Chiều 28/5, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Người khuyết tật. Quan tâm, chăm sóc và tạo sự bình đẳng trong đối xử đối với những người khuyết tật là một chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước.

*Xóa rào cản cho người khuyết tật *

Dự thảo Luật Người khuyết tật sau khi tiếp thu ý kiến, chỉnh lý của các cơ quan bao gồm 10 chương, 54 điều, trong đó đã bổ sung thêm một chương mới đó là Chương II: Xác nhận khuyết tật gồm 6 điều quy định về trách nhiệm xác định mức độ khuyết tật, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, phương pháp, thủ tục xác định mức độ khuyết tật, việc xác định lại mức độ khuyết tật và cấp Giấy xác nhận khuyết tật.

Thảo luận về dự án Luật Người khuyết tật chiều ngày 28/5, các đại biểu Nguyễn Đình Liêu ( đoàn Ninh Thuận), Trần Thị Dung ( đoàn Điện Biên) cho rằng, trên thực tế người khuyết tật khó có cơ hội tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội do những khiếm khuyết về cơ thể. Vì thế, cần nhìn nhận vấn đề người khuyết tật toàn diện hơn cả ở góc độ y tế và góc độ xã hội nhằm giúp họ chủ động hòa nhập và có cơ hội tham gia một cách bình đẳng vào các hoạt động của xã hội.

Nhấn mạnh chính sách đối với người khuyết tật không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng mà còn phải tiến tới giảm thiểu, xoá bỏ các rào cản với họ, Đại biểu Bùi Thị Lê Phi ( đoàn Cần Thơ) cho rằng dự thảo Luật phải có những quy định rõ hơn về việc bảo đảm cho người khuyết tật tiếp cận với các công trình công cộng, nhà chung cư, phương tiện giao thông công cộng...

Đối với các công trình công cộng và các phương tiện đã đưa vào sử dụng thì phải quy định rõ lộ trình cụ thể về cải tạo, điều kiện tiếp cận, sử dụng của người khuyết tật.

*Khuyến khích doanh nghiệp nhận lao động là người khuyết tật *

Giải quyết việc làm, sử dụng lao động là người khuyết tật là nội dung mà nhiều đại biểu tập trung góp ý. Trong dự thảo Luật Người khuyết tật có nhấn mạnh đến việc Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc. Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng trên 50% lao động là người khuyết tật được hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh; được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước và miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, đại biểu Võ Thị Dễ (đoàn Long An) cho rằng, để khuyến khích càng nhiều doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc thì trong dự thảo Luật nên sửa là cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng trên 30% lao động là người khuyết tật được hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp...

Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (đoàn Tiền Giang) cho rằng, trong Luật cần quy định các doanh nghiệp cần có trách nhiệm tuyển lao động là người khuyết tật. Nếu doanh nghiệp nào không tuyển đủ số lượng lao động là người khuyết tật theo quy định thì phải nộp tiền vào Quỹ Hỗ trợ người khuyết tật.

ĐB Nguyễn Đình Quyền ( đoàn Hà Nội), Danh Út ( đoàn Kiên Giang) cho rằng quy định như vậy sẽ có tính khả thi hơn là quy định bắt buộc đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong việc thực hiện các chính sách đối với người khuyết tật

“Ngoài việc hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật, cần có chính sách hỗ trợ người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật vào học tập, lao động ở các cơ sở giáo dục, trung tâm dạy nghề...” - đại biểu Trương Thị Mai (đoàn Bình Phước) nêu ý kiến như vậy và cho rằng, người khuyết tật cũng cần được đối xử bình đẳng và hưởng các quyền lợi như những người bình thường khác như được hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế đặc biệt, được tạo điều kiện tốt nhất trong quá trình phục hồi chức năng lao động. Các công trình xây dựng, phương tiện giao thông công cộng phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu, thuận lợi cho người khuyết tật.

TRÍ KIÊN