Giữa rừng cờ, giữa rừng hoa...
Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được giải phóng (ngày 15-5-1975) .
(Báo tháng) - Đã trở thành nét đẹp văn hóa mang tính bản sắc, cứ mỗi dịp đất nước bước vào những ngày lễ lớn, trên khắp các miền quê, từ vùng núi đến đồng bằng, từ nông thôn đến thành thị, từ biên giới đến hải đảo, khắp nơi bừng lên màu cờ, sắc hoa rực rỡ. Sắc màu thiêng liêng, tươi đẹp ấy là thông điệp của niềm vui, hạnh phúc, khát vọng; nối quá khứ với hiện tại, nối hiện thực với tâm linh, nối muôn triệu trái tim cùng chung nhịp khải hoàn...
Với đất nước ta, tháng Tư hằng năm là một dấu mốc đặc biệt. Trong đời sống văn học, nghệ thuật, truyền thông, tháng Tư được gắn kèm theo nó một cụm từ thiêng liêng “Tháng Tư lịch sử”. Lạ nhỉ! Thời gian đang ở thì hiện tại, còn lịch sử là những gì đã thuộc về quá khứ, sao cứ mỗi lần đến tháng Tư chúng ta lại quen gọi “Tháng Tư lịch sử”? Ngôn ngữ gọi riết thành quen.
Gọi như thế là bởi khúc khải hoàn ca mùa Xuân chiến thắng cứ đến tháng Tư lại vang lên thúc giục. Với thế hệ những con người đã từng kinh qua lửa đạn hay sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, sự cảm thấu ấy là một phần tất yếu có từ trong huyết quản, trong trái tim. Với thế hệ trẻ sinh ra sau ngày đất nước thống nhất, lớn lên trong môi trường đổi mới, hôi nhập, đó là sự tiếp nối không ngừng nghỉ của mạch nguồn truyền thống...
Tháng Tư về, khi nàng Bân còn níu giữ chút rét tàn bằng những đợt gió mùa rơi rớt, khi hoa gạo bung sắc đỏ rực trên các tuyến đường các làng quê, góc phố, khi nắng vàng ấm áp tỏa mênh mông trên những cánh đồng lúa vào độ ngậm đòng… cũng là khi người người, nhà nhà hâm nóng nghĩa tri ân, lòng tự hào dân tộc.
Sau Tết nguyên đán và mùa lễ hội truyền thống, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào kỷ niệm ngày hội thống nhất non sông. Đó là ngày hội của thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh. Bài ca chiến thắng mùa Xuân năm 1975 lại vút lên, ngân dài, vang xa, thúc giục chúng ta bước vào chặng đường mới với nhiều thời cơ, vận hội và thách thức.
Với các thế hệ cựu chiến binh, đây là thời điểm Huân chương, Huy chương lấp lánh trên ngực. Màu của Huân chương, Huy chương là màu của máu xương đồng đội đã ngã xuống, màu của hy sinh, mất mát, màu của chiến đấu, chiến thắng và chiến công; màu của tinh thần yêu nước và khát vọng hòa bình, phát triển...
Các hoạt động họp mặt, thăm viếng, tri ân Anh hùng, liệt sĩ được tổ chức rộng khắp. Những địa danh lịch sử được ví như “bàn thờ Tổ quốc” tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Côn Đảo, Ngã ba Đồng Lộc, Hang Tám Cô... nghi ngút khói nhang, nườm nượp dòng người đến thành kính dâng hương tưởng niệm.
Máu xương của thế hệ Bộ đội Cụ Hồ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã tan vào từng thớ đất, hóa linh khí quốc gia vút lên cao xanh, nhưng tên tuổi, chiến công, đức hy sinh cao cả của các Anh hùng, liệt sĩ thì càng lâu càng ngời sáng. Sắc cờ hoa nhắc nhớ con người ta về nghĩa tri ân, đức hy sinh, cống hiến. Tri ân để tiếp nối. Mạch nguồn truyền thống như dòng sông vào mùa thủy triều, càng chảy càng đầy...
Vào những ngày tháng Tư lịch sử, những sự kiện, nhân vật đã góp phần làm nên bản hùng ca chiến thắng 44 năm trước lại được nhắc đến, hâm nóng truyền thông và đời sống văn hóa tinh thần công chúng. Trong cuộc gặp thân tình với chúng tôi, GS-TS, Bác sĩ Nguyễn Đức Công - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh) nhắc đến kỷ niệm về một người Anh hùng, một thầy thuốc nổi tiếng mà anh coi là người thầy đáng kính của mình, đó là cố Giáo sư, Anh hùng lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Đại tá, Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành - Giám đốc đầu tiên của Bệnh viện Thống Nhất.
Cố Giáo sư Nguyễn Thiện Thành là tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, đức hy sinh và nhiệt huyết cống hiến. Ông có những đóng góp xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước cũng như sự nghiệp phát triển y học nước nhà. Một đời liêm khiết, giản dị, nêu cao đạo đức cách mạng, những thành tựu ông để lại cho y học kháng chiến, ngành Y quân đội và nền y tế của đất nước là di sản quý báu cho thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân y và đội ngũ thầy thuốc trẻ hôm nay...
Dòng chảy thời gian đẩy những sự kiện lịch sử càng ngày càng lùi sâu vào quá khứ. Thế hệ những người góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc như cố GS Nguyễn Thiện Thành ngày một vắng dần. Những người còn sống cũng không ai đứng ngoài quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” của tạo hóa. Sẽ đến một thời điểm nào đó, những Anh hùng, chiến sĩ trải qua trận mạc sẽ vĩnh viễn đi theo tiền nhân. Những thế hệ kế tiếp được sinh ra, lớn lên, kế tục hành trình lịch sử, xây dựng và phát triển đất nước theo kịp bước tiến thời đại văn minh.
Chúng ta hạnh phúc, tự hào khi chứng kiến thế hệ trẻ hôm nay, đa phần vẫn vững vàng ý chí, đứng trên điểm tựa lịch sử, truyền thống dân tộc để vươn tới những tầm cao mới. Hình ảnh những buổi lễ kết nạp đảng viên, màu cờ đỏ búa liềm thiêng liêng, kiêu hãnh… được rất nhiều bạn trẻ sử dụng làm hình nền, hình ảnh đại diện cho trang cá nhân trên mạng xã hội. Đó là những hình ảnh sáng đẹp tựa những bông hoa ngát hương khoe sắc trong vườn xuân dân tộc. Nó lấn át, làm lu mờ sự trỗi dậy của cỏ dại, sâu bệnh. Sóng sau xô sóng trước, thế hệ này tiếp nối thế hệ đi trước, hành trình của đất nước, dân tộc ta tiến ra biển lớn trong môi trường đổi mới, hội nhập là cuộc hành trình vĩ đại của lịch sử...
Tục ngữ Việt Nam có câu “Sông có khúc, người có lúc”. Không ai sinh ra, lớn lên trong đời liên tục được trải thảm đỏ để tiến thân. Buồn, vui, sướng, khổ, thành công, thất bại... luôn là những thuộc tính đan xen trên bước đường lập thân, lập nghiệp.
Những người được tôi luyện, thử thách, nếm trải đủ “hỉ, nộ, ái, ố” thì sự thành công đối với họ thực sự vững chắc. Ngược lại, nếu ai đó đi lên bằng thủ đoạn. mưu mô, tráo trở thì chả khác gì cây xanh được phun thuốc kích thích, cành lá xanh tươi, hoa trái có thể sum suê đấy, nhưng gốc rễ thì nông và yếu. Gặp giông bão ắt khó mà trụ vững. Những “Vũ nhôm”, “Út trọc”… với cách tiến thân kiểu “Thuyết buôn vua” là ví dụ. Những người “nâng đỡ không trong sáng” cho các nhân tố ấy cũng khó thoát khỏi kết cục tương tự.
Cuộc chiến chống tham nhũng, chấn hưng đạo đức trong Đảng, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã và đang được Đảng ta quyết liệt thực hiện đã thể hiện ý chí, nguyện vọng của toàn dân. Đội ngũ cựu chiến binh trên cả nước luôn đặt niềm tin son sắt vào ý chí chiến đấu của Đảng, đồng hành với Đảng đấu tranh, bài trừ quan liêu, tham nhũng. Những tấm gương cựu chiến binh dũng cảm, dám đứng lên vạch trần hành vi sai trái ngay từ chi bộ Đảng, ngay trong mỗi tổ dân phố, thôn, ấp... cho đến những tổ chức, cá nhân liên quan đã cho thấy giá trị đạo đức văn hóa của Bộ đội Cụ Hồ. Dù ở đâu, làm gì, dù đang đương chức hay đã nghỉ hưu, vẫn luôn trung thành với lý tưởng cách mạng của Bác Hồ và Đảng ta...
Vận mệnh của Đảng gắn liền với vận mệnh dân tộc. Sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ sức mạnh của mỗi tổ chức cơ sở Đảng, cộng hưởng từ ý chí, tinh thần trách nhiệm của mỗi đảng viên. Sự bền vững, trường tồn của Đảng phụ thuộc vào niềm tin, mối quan hệ đoàn kết, thống nhất của toàn dân. Trên mặt trận không tiếng súng hôm nay, đội ngũ đảng viên cựu chiến binh vẫn là lực lượng giữ vai trò nền tảng, bệ đỡ cho ý chí, nguyện vọng của thế hệ trẻ yêu nước.
Chúng ta tin tưởng sâu sắc, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã, đang và sẽ tiếp tục bền vững, trường tồn từ sự kế thừa mang tính hệ thống ấy.
Sắc màu cờ hoa của tháng Tư lịch sử đang bung tỏa khắp nơi. Đi giữa rừng cờ, đi giữa rừng hoa, chúng ta bắt gặp hào khí Việt Nam tỏa lan từ mỗi ánh mắt nhìn, mỗi nụ môi cười khi gặp gỡ, từ khúc nhạc hào hùng, từ khí thế hào sảng của lòng người, từ sự sống phồn thực của bạt ngàn cánh đồng lúa vào kỳ ngậm đòng.
Lại nhớ và thêm thấm thía sâu sắc lời chúc Tết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong đêm trừ tịch Xuân Kỷ Hợi 2019. Người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta đã học tập ý thơ của Bác Hồ kính yêu, gửi gắm thông điệp, niềm tin, khát vọng đến toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta: “Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua/ Thắng lợi tin vui khắp nước nhà/ Cả nước hân hoan mừng Xuân mới/ Khải hoàn ta viết tiếp bài ca”...
Tùy bút của Phan Tùng Sơn