Giữ tiếng cồng chiêng ngân mãi bản làng (01/03/2013)

Với tâm huyết gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Ê Đê và Raglai, nhiều năm qua, Hội CCB xã Ninh Tây đã duy trì rất hiệu quả CLB cồng chiêng. Vừa qua, để chào mừng 83 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3- 2) và mừng xuân mới Quý Tỵ 2013, CLB đã tổ chức biểu diễn cồng chiêng được đông đảo người dân hoan nghênh.

Ông Phạm Văn Ngoan, người dân tộc Mường, Chủ tịch Hội CCB xã Ninh Tây, Chủ nhiệm CLB cồng chiêng luôn trăn trở khi cả xã hiện chỉ còn bộ cồng chiêng gồm 7 chiếc, mỗi lần biểu diễn phải mượn thêm một bộ nữa. Mặt khác, những người biết đánh cồng chiêng ngày một ít và phần lớn tuổi đã cao. Nhưng ông từng hiểu rõ giá trị văn hóa của đồng bào, nên vẫn quyết tâm thành lập CLB cồng chiêng. CLB là nơi tập trung những người biết đá́nh cồng chiêng đến sinh hoạt và biểu diễn, nhằm bảo tồn cho nhạc cụ truyền thống không bị mai một, kết hợp đào tạo lớp kế thừa, với mong muốn bảo tồn và phát triển nhạc cụ truyền thống.

Xã Ninh Tây là địa bàn giáp với tỉnh Đắc Lắc có nhiều dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Ê Đê và Raglai chiếm khá đông. Đối với người Ê Đê và Raglai, cồng chiêng đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, thường được thể hiện vào các dịp như: đám cưới, tế cúng, đám tang… để diễn tả niềm vui, nỗi buồn. Có lắng nghe và cảm nhận những âm thanh chắc, khỏe, dồn dập, ngân vang của cồng chiêng giữa núi rừng bạt ngàn, mới cảm nhận được linh hồn của tiếng cồng, tiếng chiêng trong tụ̣c cung kính, sinh hoạt văn hóa của người Ê Đê và Raglai. Đồng thời những bản nhạc đầy ắp âm thanh trong sáng ấy còn gieo vào lòng người muôn vàn tình nhân ái, những cái nương, con suối như vui hơn. Vì vậy, việc bảo tồn và phát triển nhạc cụ truyền thống này trước hết phải do những người con của dân tộc đó. CLB cồng chiêng không chỉ góp phần giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống, mà còn là cầu nối đưa những nét văn hóa của ông cha đến với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Thời gian qua, CLB cồng chiêng duy trì việc biểu diễn tại các dịp lễ cúng mang đậm nét vùng, miền của dân làng như: Cúng bến nước, lúa mới... hoặc tham gia các hội diễn văn nghệ của địa phương. Không chỉ biểu diễn cồng chiêng, nhữ̃ng thành viên của CLB còn kết hợp với các nhạc cụ khác như sáo, kèn bầu... để tạo thành những bản hòa âm hùng tráng, da diết. Ông Y Quắp, 58 tuổi, người Ê Đê, tham gia CLB ngay từ ngày đầu thành lập, luôn thấy thích thú và vui vẻ “khoe” với du khách về cồng chiêng của xã mình và say mê biểu diễn cho khách thưởng thức.

Các già làng, trưởng bản nơi đây cũng trăn trở khi thanh niên hiện nay ít mặn mà với văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Vì vậy, CLB cồng chiêng đã lên kế hoạch phối hợp với Đoàn Thanh niên xã̃ dạy cách đánh cồng chiêng và một vài nhạc cụ dân tộc khá́c cho thanh niên. “Thế hệ trẻ là những người sẽ tiếp nối việc giữ gìn bản sắc dân tộc mình. Vì vậy, chúng tôi đã chọn những thanh niên có tâm huyết để truyền dạy cách đá́nh cồng chiêng. Vừa qua, chúng tôi đã tập trung một số thanh niên ở thôn Buôn Đung để hướng dẫn và tập luyện. Phải mất nhiều năm, những thanh niên này mới đánh cồng chiêng thành thạo” - ông Ngoan nói.

Không chỉ dạy cách đá́nh cồng chiêng, CLB còn vận động, khuyến khích thanh niên tham gia CLB để cùng biểu diễn phục vụ dân làng. Anh Y Tuấn, Bí thư chi đoàn thôn Buôn Đung cũng rất phấn khởi khi nói về CLB cồng chiêng xã mình: “Nhờ vào sự truyền dạy của các bác, các chú, tôi đã biết cách đá́nh cồng chiêng và ngày càng cảm nhận cái hay, cái giá trị về mọi mặt mà CLB đã đem lại. Điều quan trọng hơn, chúng tôi đã hiểu được trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.

Chia tay chúng tôi, Chủ nhiệm CLB Phạm Văn Ngoan vẫn còn nhiều trăn trở bởi phần lớn các thành viên của CLB tuổi đã cao, nên thời gian sinh hoạt khá khó khăn. Bên cạnh đó, do CLB còn thiếu cồng chiêng nên mỗi lần tập luyện phải đi mượn của người dân… Vì vậy, rất mong các cấp chính quyền, đoàn thể quan tâm, giúp đỡ để Hội CCB xã duy trì và phát triển, giữ gìn nét văn hóa bản làng giàu bản sắc dân tộc này.

Bài: Trần Công Thi

Ảnh: NKT