Giữ rừng trồng sâm
Những cây sâm Ngọc Linh đang dần phủ kín núi rừng Nam Trà My.
**Thoát nghèo nhờ sâm
**
Huyện nằm trên ngã ba ranh giới giữa tỉnh Quảng Nam với hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum, ngay dưới chân dãy Ngọc Linh có nhiều đặc sản có giá trị cao như gạo đỏ, mật ong, quế và đặc biệt là sâm Ngọc Linh; nhưng suốt bao thế hệ, đời sống của đồng bào nơi đây chủ yếu là người Xê Đăng, M’Nông và Co vẫn không thoát được khỏi đói, nghèo. Từ năm 2015, khi đề án bảo tồn và phát triên sâm Ngọc Linh được Chính phủ thông qua và sâm núi Ngọc Linh được công nhận là sản phẩm quốc gia, đời sống người dân nơi đây đã ngày một thay da đổi thịt. Cùng với nó, tốc độ phát triển trồng sâm ở Nam Trà My tăng lên nhanh chóng.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã có gần 1.000 hộ trồng sâm. Người dân đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư mở rộng sản xuất. Việc phát triển cây Sâm Ngọc Linh trở thành cây hàng hóa chủ đạo đã góp phần tạo động lực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
**Còn rừng, còn sâm
**
Đến Nam Trà My, nhiều người không khỏi bất ngờ bởi những cánh rừng nguyên sinh được giữ gìn gần như nguyên vẹn, chỉ thấy ngút ngàn một màu xanh trùng trùng điệp điệp. Hỏi ra mới biết việc giữ rừng là một nhiệm vụ sống còn của bà con nơi đây vì còn rừng thì còn sâm. Sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên để trồng và phát triển được lại đòi hỏi rất nhiều yếu tố gồm địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng và đặc biệt là không thể thiếu những cánh rừng. Chỗ trồng sâm phải có nhiều rừng già bao quanh bên ngoài mới giữ được độ ẩm, độ mát cho cây sâm phát triển vào mùa nắng. Nên người dân nơi đây đặc biệt coi trọng việc giữ rừng như giữ chính nguồn sống của mình vậy.
Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: “Trước đây đôi chỗ vẫn còn tình trạng phá rừng làm rẫy, nhưng từ khi biết trồng cây sâm Ngọc Linh, không ai bảo ai, đồng bào đã ngừng hẳn việc phá rừng làm rẫy và cùng nhau hợp sức giữ rừng rất hiệu quả. Đồng bào thường ngày vẫn nói với nhau "Phải biết giữ rừng, không có rừng là không có sâm Ngọc Linh đâu”.
Cao Phương