Giữ rừng ở Phú Danh
Các CCB thôn Phú Danh đi tuần tra rừng.
Nhiều năm nay, những cánh rừng nguyên sinh ở Tây Nguyên luôn là “mồi ngon” của các nhóm lâm tặc. Ở khu vực huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai cũng vậy, chuyện đào, chặt vô tội vạ cây hoa bằng lăng; chặt hạ cây thông để chiếm đất rừng xảy ra rất nhiều… Vậy nhưng, chính ở nơi đây lại có “Cánh rừng CCB Phú Danh” mà lâm tặc chỉ nghe đến đã bảo nhau tránh xa.
Tiếp chuyện chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Chín - Trưởng BQL rừng phòng hộ Hà Ra cho biết: Tổng diện tích đất rừng Ban đang quản lý 13.890ha, trong đó 6.373ha được giao cho 357 cá nhân, nhóm hộ và cộng đồng quản lý. Với Chi hội CCB thôn Phú Danh, từ khi nhận quản lý, bảo vệ 280ha rừng đến nay, chưa lần nào xảy ra trường hợp bị mất rừng hoặc cháy rừng. Bên cạnh việc kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hành vi phá rừng, các anh còn tham gia tuyên truyền vận động bà con cùng nhau giữ rừng. Đây là một mô hình tốt, cần được nhân rộng.
Đưa chúng tôi đi thăm khu vực rừng mà Chi hội CCB nhận giao khoán quản lý, bảo vệ, ông Thái Văn Cường - Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Phú Danh cho biết: Chi hội CCB thôn Phú Danh, xã Hà Ra gồm 27 hội viên, trong đó có trên 80% hội viên từ 50 tuổi trở lên. Năm 2014, Chi hội nhận khoán quản lý bảo vệ 280ha rừng của BQL rừng phòng hộ Hà Ra. Ông nhớ lại: Lúc ấy, vận động anh em bộ đội xuất ngũ vào tổ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng không đơn giản, bởi phần đông anh em còn khó khăn, trong khi thu nhập từ việc nhận khoán không đủ trang trải cho cuộc sống, như CCB Phạm Đình Dũng, khi xuất ngũ về địa phương, đời sống kinh tế của gia đình gặp không ít khó khăn. Hồi ấy Dũng từng đi phát rừng lấy đất trồng lúa, thậm chí có lần còn lén chặt gỗ về làm nhà hoặc bán lấy tiền đong gạo... Được sự vận động và tạo điều kiện của Chi hội, của chính quyền địa phương, năm 2014, anh Dũng đã tham gia vào tổ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. Với CCB Lê Văn Thắng thì: "Giữ rừng là niềm vui, bởi ngoài việc giữ rừng thì tôi cũng như những anh em khác, như tìm lại được những tháng ngày gian khó mà hào hùng trong quân ngũ". Ông Cường cho biết: "Có không ít chuyến tuần tra, anh em gặp những đối tượng phá rừng, mặc dù bị những đối tượng này phản ứng, anh em vẫn ôn hòa và kiên nhẫn giải thích, động viên họ không được phá rừng...".
Cái khó nhất là sức khỏe của anh em. Trong 27 hội viên của chi hội, có đến 80% hội viên từ 50 tuổi trở lên, một phần sức khỏe đã để lại ở chiến trường và phục vụ quân ngũ, trong khi việc giữ rừng lại cần có sức khỏe. Từ xã đến nơi nhận khoán rừng, anh em phải đi xe máy từ sáng tới trưa mới đến, sau đó giấu xe vào bụi rậm, lại tiếp tục đi bộ... Chi hội được chia làm nhiều tổ, mỗi tổ 3-4 người, thay nhau đi kiểm tra, mỗi chuyến từ 4-5 ngày trong rừng: Khi đã giấu xe máy, các anh cõng gạo, thực phẩm, đi kiểm tra từng khoảnh rừng trong diện tích nhận khoán; đến bữa lại dừng chân nấu ăn, tối thì mắc võng đong đưa trên cành cây... Các tổ thay nhau đi tuần, có khi kết hợp với BQL rừng phòng hộ Hà Ra cùng đi. Mặc dù, diện tích rừng lớn mà lực lượng của chi hội chỉ có 27 người, nhưng cánh rừng vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt. Để giữ được rừng, ngoài việc phân công người đi tuần tra theo kế hoạch, Chi hội cũng tập trung tuyên truyền người dân chung tay bảo vệ rừng. Mỗi khi có người lạ đi vào rừng, người dân sẽ báo Chi hội.
Trong 5 năm tham gia bảo vệ rừng, các CCB nhiều lần đối mặt với hiểm nguy khi giáp mặt lâm tặc, thậm chí bị đe dọa. CCB Nguyễn Thành Duy kể: Lâm tặc nghênh ngang lắm. Khi giáp mặt, các đối tượng này ngang nhiên nói để chúng vào rừng, nếu không sẽ “xử đẹp”. Những lúc đó, chúng tôi phải khéo léo giải thích, khuyên răn vừa có lý, vừa có tình mới giải quyết được. “Việc quan trọng là, phải cảm hóa để lâm tặc bỏ nghề, nên dù chúng đe dọa, chúng tôi vẫn tìm được chỗ ở để đến tận nhà vận động, mềm dẻo phân tích để họ hiểu” - anh Duy cho biết. Ngoài bị lâm tặc đe dọa, khi đi tuần các CCB còn phải đối mặt với cảnh bị lũ cô lập nhiều ngày không về được nhà; bị vắt cắn, muỗi chích. Có CCB trong lúc dập lửa cứu rừng bị rơi tiền, giấy tờ, bị lửa thiêu rụi… Với 280ha rừng mà Chi hội nhận khoán quản lý, bảo vệ, mỗi năm Chi hội được nhận gần 70 triệu đồng dịch vụ môi trường rừng. Số tiền các CCB chủ yếu dùng vào mua sắm võng, bạt, thực phẩm, xăng xe, số còn lại đóng góp Quỹ hoạt động Hội, thăm hỏi động viên những gia đình hội viên lúc hiếu hỷ, gặp khó khăn và trích một phần giúp đỡ các cháu học sinh trong thôn vượt khó học tập... Biết là vất vả, khó khăn nhưng ai cũng vui. Bộ đội Cụ Hồ mà!
Chẳng mấy mà đã đến trưa, chúng tôi vào nghỉ ở một chiếc lán ven đường… Nắng vàng trải khắp nơi. Lá cây trên đèo Mang Yang trông cứ lấp lánh theo gió.
Lâm Quang