Giữ gìn bản sắc Văn hóa Việt Nam: Cựu chiến binh say mê Hán Nôm
Thành ủy TP tặng hoa chúc mừng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (CCB Hoàng Ngọc Khăn, thứ 7, từ phải, hàng trước) tại Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng - tiền thân của Hội Hán Nôm thành phố Đà Nẵng.
Thực hiện chủ trương xây dựng đời sống văn hóa phong phú theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-01-2019 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thành phố giao cho Hội Hán Nôm T.P Đà Nẵng tập trung nghiên cứu các giá trị văn hóa, lịch sử của di sản Hán Nôm; sưu tầm, phiên dịch, xuất bản các văn bản, ấn phẩm chữ Hán Nôm; đẩy mạnh chương trình truyền dạy chữ Hán Nôm… Thật bất ngờ, CCB Đà Nẵng lại là những người say mê học tập chữ Hán Nôm nhất và nhiệt tình tham gia các hoạt động xây dựng Hội.
Xuất phát từ một nhóm tự học chữ Hán Nôm ở quận Hải Châu, do CCB Huỳnh Phương Bá khởi xướng, đến năm 2012, nhóm tự học này đã phát triển thành Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng (viết tắt là Trung tâm) và đã bầu CCB Huỳnh Phương Bá làm Giám đốc, CCB Nguyễn Đình Ngật làm Phó Giám đốc.
Mười năm qua, Trung tâm tích cực truyền dạy chữ Hán Nôm (miễn phí) và tổ chức nhiều hoạt động, thu hút số lượng người tham gia ngày càng nhiều. Đến nay, Trung tâm có 3 CLB Hán Nôm tại Đà Nẵng và 1 CLB Hán Nôm ở tỉnh Quảng Nam, với tổng số 167 hội viên. Khi CCB Huỳnh Phương Bá gần tròn 90 tuổi, thì CCB Hoàng Ngọc Khăn, nguyên Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 315 (Quân khu 5) thay thế cương vị Giám đốc. Ông Khăn về hưu mới học chữ Hán Nôm, vậy mà nay đã thông thạo kiến thức Nho học, vững vàng điều hành trung tâm trong giai đoạn mới.
Những năm qua, Trung tâm đã tổ chức 3 khóa dạy chữ Hán Nôm miễn phí và cả 3 khóa đều do các CCB làm lớp trưởng. (CCB Võ Cao Lợi làm lớp trưởng khóa I, CCB Trà Thanh Lợi làm lớp trưởng khóa II và CCB Lê Vĩnh Trình làm lớp trưởng khóa III). Đồng thời, ở các CLB trực thuộc cũng tổ chức dạy chữ Hán Nôm miễn phí. Các lớp dạy chữ Hán Nôm thu hút hàng trăm người học, cả ở T.P Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Hơn 30 CCB trong Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng đều rất say mê học tập chữ Hán Nôm và nhiệt tình tham gia các hoạt động. Tiêu biểu như CCB Lê Sơn ở phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) mặc dù bận nhiều việc nhưng luôn tích cực học tập, hăng hái tham gia chương trình sinh hoạt trong Tao Đàn của Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng. Vận dụng vốn từ Hán Nôm, anh Sơn đã làm nhiều bài thơ hay, sâu sắc, lắng đọng lòng người.
Lại có CCB Lê Thanh Tân, 63 tuổi, ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang từ học viên Hán Nôm khóa I, nay trở thành thầy giáo dạy lại cho các lớp kế tiếp. Không chỉ vậy, ông còn làm được câu đối bằng chữ Hán Nôm, ai xem cũng tấm tắc khen hay.
Đặc biệt, CCB, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Duy Chương, ở phường Nam Dương (quận Hải Châu) sớm hôm miệt mài, say mê chữ Thánh hiền. Từ một học viên khóa II, anh Chương nỗ lực phấn đấu vươn lên, trở thành Phó Giám đốc Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng và được giới thiệu bầu vào chức danh Phó Chủ tịch Hội Hán Nôm thành phố Đà Nẵng. “Chữ Hán Nôm có nhiều trong các văn bản cổ và các bài thuốc Y học cổ truyền. Mình cố học chữ Hán Nôm để vận dụng vào việc chữa bệnh và các lĩnh vực khác” - ông Chương bày tỏ…
Việc truyền dạy chữ Hán Nôm tại Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng thực hiện theo giáo trình Hán Văn giáo khoa thư, do NXB Đà Nẵng ấn hành năm 1997 và giáo trình Hán Nôm do NXB Giáo dục ấn hành năm 1985, cùng với một số nội dung trong Đại Việt sử ký toàn thư, Chinh phụ ngâm, Nhật ký trong tù… CCB Hoàng Ngọc Lai, Chủ nhiệm CLB Hán Nôm Sơn Trà chia sẻ: “Chữ Hán Nôm là loại chữ tượng hình, rất đa dạng, phong phú, từng thịnh hành một thời gian dài trong lịch sử Việt Nam và hiện còn rất nhiều trong các tư liệu lịch sử nước ta cũng như tại các đình, chùa, nhà thờ, phần mộ, văn bia, gia phả. Có học chữ Hán Nôm, mình mới có thể đọc được những nội dung đó”.
Thời gian qua, Trung tâm đã dịch thuật hàng ngàn trang tư liệu từ chữ Hán thành chữ Quốc ngữ theo đề nghị của Sở Văn hóa Thể thao Thành phố, Bảo tàng Đà Nẵng cùng các cơ quan chức năng; tham gia biên tập tập sách Kỷ yếu Hoàng Sa; phiên âm, dịch nghĩa các sắc phong, gia phả, chúc thư, văn bia, hoành phi, câu đối trên địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế; nhiệt tình tham gia hội sách và các hoạt động giao lưu văn hóa. Trung tâm đã giành giải nhất tại Ngày hội Giao lưu Ngôn ngữ năm 2016, do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng tổ chức… Trong thời gian Covid-19 bùng phát, trung tâm tổ chức dạy học trực tuyến từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần và sinh hoạt Tao Đàn Nho học trực tuyến vào 2 ngày nghỉ cuối tuần. Chương trình Tao Đàn Nho học với nội dung “Sáng tác - Bình luận thơ và câu đối” diễn ra khá sống động, hấp dẫn, trở thành sân chơi bổ ích về lĩnh vực văn chương trên địa bàn Đà Nẵng…
Từ tháng 12-2021, Ban Vận động thành lập Hội Hán Nôm thành phố Đà Nẵng đã làm hồ sơ xin thành lập Hội Hán Nôm thành phố Đà Nẵng. Ngày 15-3-2022, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh ban hành Quyết định số 718/QĐ-UBND về việc cho phép thành lập Hội Hán Nôm thành phố Đà Nẵng. Hội là tổ chức xã hội, tổ chức và hoạt động theo Điều lệ được Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt, tuân thủ quy định của pháp luật, chịu sự quản lý Nhà nước của UBND thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Nội vụ và các cơ quan Nhà nước có liên quan.
Hội có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, trụ sở đặt tại số 16 đường Đinh Châu, quận Cẩm Lệ, với nhiệm vụ nghiên cứu các giá trị văn hóa, lịch sử của di sản Hán Nôm; sưu tầm, phiên dịch, xuất bản các văn bản, ấn phẩm chữ Hán Nôm; đẩy mạnh chương trình truyền dạy chữ Hán Nôm; phát triển thư pháp Hán Nôm; trao đổi, giao lưu thông tin về Hán Nôm với các tỉnh bạn; tích cực tham gia các hoạt động văn hóa cộng đồng, khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập...
Đại tá, CCB Hoàng Ngọc Khăn, Trưởng Ban vận động thành lập Hội Hán Nôm thành phố Đà Nẵng, cho biết: “Đại hội thành lập Hội Hán Nôm thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức vào hai ngày 8 và 9-4-2022, tại Hội trường Thư viện Đà Nẵng”.
Bài và ảnh: Lê Văn Thơm