Giọng đọc vàng Lê Chức
NSND Lê Chức là người có "giọng đọc vàng” của Ngành Sâu khấu truyền hình.
Báo tháng 6 - Tôi biết Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Lê Chức từ những năm 90, vì đã nhiều lần mời ông đọc lời bình cho phim tài liệu, phóng sự.
Phim nào ông đọc cũng được khán, thính giả đánh giá cao. Trong đó, bộ phim "Chuyện anh Quyền ủi", được tặng Huy chương vàng, trong Liên hoan Truyền hình toàn quân năm 2009. Sau đó, Truyền hình Quốc phòng mang đi tham gia Liên hoan Truyền hình toàn quốc, lại nhận được Huy chương vàng, về đề tài thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Lần này, chuẩn bị tổng kết 7 năm (2013-2020), thực hiện Kế hoạch số 81/KH-CCB về việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, Ban Chỉ đạo Trung ương Hội CCB Việt Nam quyết định xây dựng bộ phim phóng sự "Hành trình đi tìm đồng đội", tôi cùng mấy anh em của Báo CCB Việt Nam, được giao nhiệm vụ thực hiện.
Khi thông qua kịch bản phân cảnh, Ban Biên tập Báo CCB Việt Nam bàn nên mời NSND Lê Chức đọc lời bình. Thật trúng ý tôi. Vì tôi biết, Lê Chức đọc lời bình thì tư tưởng, tình cảm trong mỗi con chữ tôi viết ra, sẽ hòa quyện với hình ảnh trên màn hình và giá trị bộ phim sẽ được nâng lên.
Chả thế mà ông được người ta gọi là "người có giọng đọc vàng", "giọng đọc huyền thoại"... của Ngành Sân khấu, truyền hình nước nhà. Ông có thể đọc được mọi thể loại, từ chính luận trong các lễ hội lớn của Đảng, Nhà nước, các tỉnh, thành phố, đến các tác phẩm văn học, nghệ thuật trữ tình, sâu lắng.
Có được giọng đọc vàng này, ngoài thừa hưởng chất liệu giọng và vốn văn hóa từ cha - Nhà thơ, Nhà viết kịch nổi tiếng Lê Đại Thanh và mẹ, một nghệ sỹ kịch nói không chuyên tài hoa ở Hải Phòng, là quá trình rèn luyện, tích lũy trên con đường nghệ thuật của ông hơn 50 năm qua.
Từ diễn viên Đoàn Kịch nói Hải phòng, rồi Giám đốc Nhà hát Cải lương Trung ương, đến Phó cục trưởng, Cục Biểu diễn nghệ thuật - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; và 15 năm là Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Trưởng ban Sáng tác Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam; từ biểu diễn, biên kịch, sáng tác đến đạo diễn các loại hình kịch nói, chèo, cải lương, múa... Đặc biệt, với tinh thần làm việc tỷ mỉ, nghiêm túc, luôn tự đổi mới mình, Lê Chức đã tạo ra nét riêng độc đáo, khó nhầm lẫn với những người khác.
Ông quan niệm: Những con chữ viết ra luôn có chiều sâu tâm hồn và chiều rộng cảm xúc của người viết, trách nhiệm của những người thể hiện con chữ đó bằng thanh âm là phải chạm tới "phần hồn" của con chữ, đưa lời đọc đạt tới sự thăng hoa nhất. Chính vì thế mà ai được ông đọc lời bình cho phim của mình là một hạnh phúc.
Nhờ mối quan hệ lâu năm, giữa Nghệ sỹ Nhân dân, Đại tá Lưu Quỳ - nguyên Phó Giám đốc Điện ảnh Quân đội với NSND Lê Chức, nên mặc dù rất bận, nhưng ông đã nhận lời đọc lời bình cho phim. Đúng hẹn, ông đến... Mặc dù đã ở tuổi 74, nhưng tác phong ông vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát.
Bắt tay chúng tôi, nhận bản thảo lời bình, ông bước vào phòng thu, ngồi trước bàn, hỏi vọng ra: "xong chưa, bắt đầu nhé!", kỹ thuật viên thu âm nhẹ nhàng: "Dạ, xong rồi ạ". Phòng ngoài, Đại tá Lưu Quỳ và tôi, vừa nghe ông đọc qua một loa nhỏ, vừa theo dõi, đối chiếu với bản thảo.
Giọng ông vang lên... Rồi cứ thế hết dòng này, xuống dòng khác, hết trang này, sang trang khác. Đã nhiều lần theo dõi ông đọc lời bình cho phim của mình, nhưng mỗi lần nghe ông đọc, cái cảm xúc lâng lâng trong tôi lại trỗi dậy, thật khó tả.
Gương mặt ông biểu cảm cùng với nội dung trong phim, lúc thư giãn, rạng ngời, lúc đăm chiêu, lặng buồn. lúc dồn dâp, gấp gáp, trào dâng; lúc thư thả, bồng bềnh, sâu lắng. Ông gửi hồn mình vào từng câu, từng chữ, làm nó hòa quyện với những hình ảnh như là có thật, đang diễn ra trước mắt vậy.
Đoạn nói về khí thế các của các cấp Hội, các CCB băng rừng, vượt núi đi tìm hài cốt liệt sỹ, giọng ông ngân vang như hối hả, thúc dục; đoạn nói về nỗi lòng người mẹ liệt sỹ ngóng đợi tin con, người thân liệt sỹ đón hài cốt liệt sỹ trở về, giọng ông trầm xuống, nghẹn ngào, có câu đứt quãng, phải đọc lại. Tôi như bị cuốn theo giọng đọc của ông...
Đọc xong, ông quay ra nói với chúng tôi: "Cảm động quá, nhà này cũng có một mà". Ngừng một lát, ông hỏi: “Có gì bổ sung không nào?”. Đại tá Lưu Quỳ phát hiện nhầm một từ. Tôi phát hiện sót từ "đã" và nhầm từ "núi" thành "đồi". Ông cười hài hước: “Quê mình chỉ có đồi, không có núi”, trước khi vui vẻ đọc lại.
Ra khỏi phòng máy, ông vội trả lời điện thoại mấy cuộc gọi nhỡ, rồi chia tay chúng tôi. Khi tôi gửi tiền thù lao, ông ngập ngừng nói: “Đáng ra, đọc lời bình cho phim này mình không nhận tiền. Nhưng lần này xin để thêm vào đóng góp cho Hội Nghệ sỹ Sân khấu ngày mai lên ủng hộ bà con Bắc Giang chống Covid”.
Đã biết tài năng và nhân cách của NSND Lê Chức từ lâu. Nay tôi lại hiểu thêm tấm lòng nhân hậu trong con người ông.
Đỗ Công Huynh