Gió trầm - Cây xóa đói giảm nghèo ở xã Phúc Trạch (10/02/2012)
Mấy năm gần đây, ngoài việc trồng bưởi, người dân trong xã đang phát triển trồng cây gió trầm, một loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao và tham gia vào việc xóa đói giảm nghèo bền vững ở xã Phúc Trạch.
Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ mới đã có hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với vùng đất và khí hậu ở Phúc Trạch, trong đó cây gió trầm là một loại cây chủ lực. Đến nay xã đã có 100% vườn hộ, trang trại vừa và nhỏ có cây gió trầm với tổng diện tích trên 400 ha, chưa kể đến hàng triệu cây giống đã làm bừng sáng một vùng quê vốn nghèo đói, quanh năm lũ lụt. Cây gió trầm hiện có mặt ở khắp các hộ gia đình, gia đình nào cũng có vườn cây xanh tốt, trong đó từ 60-70% số hộ có cây đã vào mùa khai thác trầm hương, tinh chiết xuất bán ra thị trường cho hiệu quả kinh tế cao. CCB Nguyễn Kim Hà, nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phúc Trạch cho chúng tôi biết: Đa số người dân Phúc Trạch có nguồn thu nhập từ cây gió trầm bình quân 150-200 triệu đồng/năm. Nhiều hộ đạt 450-500 triệu đồng. Cá biệt có hộ thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm như hộ các ông, bà Dương Hải, xóm 1; Hải Phương, Nguyễn Quỳnh, Huỳnh Đào, xóm 6; Nguyễn Thị Mậu, xóm 7; Nguyễn Trực, xóm 8... Ngoài việc khai thác trầm hương tại chỗ, xuất bán ra thị trường, nhiều hộ bán cả cây gió trầm 7-8 tuổi với giá 125-160 triệu đồng.
Hiệu quả kinh tế từ cây gió trầm đã đưa kinh tế của xã Phúc Trạch chiếm 2/3 tổng thu nhập. Năm 2011, tổng giá trị thu nhập của xã là 462 tỷ đồng, đạt 100,4% so với kế hoạch, bình quân đầu người đạt 8,1 triệu đồng. Hiện nay gió trầm đang được đẩy lên vị trí số một trước bưởi Phúc Trạch. Hiệu quả kinh tế cao từ cây gió trầm đã làm cho nền kinh tế phát triển, số hộ nghèo giảm hẳn xuống dưới 10%, đa số các gia đình có nhà xây khang trang, có tiện nghi sinh hoạt đầy đủ.
Đảng, chính quyền, các đoàn thể đã đến tận từng nhà, từng thôn xóm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, có những kiến nghị kịp thời với huyện và tỉnh để phát triển diện tích gió trầm, khai thác trầm hương, tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân để nâng cao thu nhập.
Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch Trần Thị Hà vui vẻ cho biết: Năm 2010-2011 cây gió trầm đã cho thu hoạch gấp 1,5 lần so với bưởi Phúc Trạch, từ đó có thể khẳng định gió trầm là cây chủ lực số một của xã. Để góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho nhân dân, thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã chúng tôi phấn đấu mỗi năm trồng từ 15-25 ha gió trầm, phấn đấu đạt 550-700 ha vào năm 2015-2020.
Lãnh đạo huyện Hương Khê đã có chủ trương tổ chức cho các địa phương tham quan học tập nhân rộng mô hình cây gió trầm, vì đây là loại cây có giá trị kinh tế cao được nhân dân trong nước và nước ngoài tiêu thụ nhiều. Đây cũng là thông điệp để các cơ quan nghiên cứu khoa học về giống cây gió trầm, nhằm khai thác tinh chế, chế biến sản phẩm để làm giàu cho quê hương, đất nước.
Bài và ảnh: Lê Anh - Đức Đạo