Giầu lên từ sản xuất lúa giống (28/04/2011)

Năm 2003, được địa phương phát động phong trào: “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao”, anh Vọng đã quyết tâm đưa toàn bộ diện tích 10 mẫu ruộng cấy vào làm lúa giống mới để nhập cho các công ty giống cây trồng và bán ra thị trường. Anh cho biết: Hằng năm, với hai vụ lúa giống đã cho thu hoạch trên 30 tấn thóc, mà giá trị thóc giống cao hơn thóc thịt từ 1,2 đến 1,3 lần, tổng thu từ cấy lúa mỗi năm cũng được từ 220 đến 240 triệu đồng, trừ chi phí lãi gần 100 triệu đồng. Điều đáng chú ý là anh đã áp dụng phương pháp gieo xạ bằng tay, nay đã sắm được nông cụ gieo xạ hàng, đảm bảo được thời vụ, giảm chi phí đầu vào, đảm bảo năng suất cao vì cây lúa không bị chột như nhổ mạ cấy, giảm được cả chi phí về phân bón và thuốc trừ sâu. Anh ước tính nếu theo phương pháp nhổ mạ, cấy 1 sào hết 1,5 đến 2 công, nhưng theo phương pháp gieo xạ thì thời gian chỉ hết 10 phút/sào. Với 10 mẫu ruộng nếu theo phương pháp gieo mạ cấy, anh chi phí hết 7 triệu đồng/vụ, nhưng áp dụng phương pháp gieo xạ chỉ chi phí hết 500.000 đồng. Mô hình gieo xạ này đã được nhiều HTX nông nghiệp trong tỉnh, cán bộ các nơi khác như ở huyện Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình đến tham quan, học tập.

Ngoài sản xuất lúa giống, anh còn xây dựng được 250m2 chuồng trại để chăn nuôi lợn nái và lợn thịt. Với 20 con lợn nái mỗi năm 2 lứa, cho ra đời hơn 400 lợn con và từ 70 đến 100 con lợn thịt, mỗi con từ 70-80 kg/con, như thế từ chăn nuôi lợn cũng lãi được 150 triệu đồng. Thu về gia cầm gà, ngan, vịt mỗi năm cũng được vài lứa với tổng số hàng nghìn con và hàng nghìn quả trứng. Thu về cá cũng được 5 tấn/1 năm và hoa quả, cây cối được trên 10 triệu đồng. Từ mô hình kinh tế trang trại đa canh trên, mỗi năm, tổng doanh thu của vợ chồng CCB Vọng được trên 500 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi được 350 triệu đồng, tạo việc làm cho 30 lao động có tính chất thời vụ và 3 lao động làm việc thường xuyên…

NGUYỄN VĂN THUẬN