Giáp Tết, căng chuyện chống buôn lậu
Theo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong năm 2015, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến hết sức phức tạp. Các đối tượng hoạt động tinh vi hơn thông qua thay đổi phương thức, thủ đoạn, tuyến đường, địa bàn để buôn lậu, gian lận thương mại các mặt hàng cấm, hàng có thuế suất cao, hàng hóa yêu cầu phải có giấy phép chuyên ngành, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dung…Tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, pháo nổ, rượu bia, thuốc lá điếu, mỹ phẩm, gia cầm, đồ điện tử, điện lạnh trên tuyến biên giới đường bộ tập trung tại các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Tây Ninh, An Giang; còn trên vùng biển Đông Bắc, miền Trung và vùng biển Tây Nam (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu) lại nhức nhối với các mặt hàng xăng dầu, than, gỗ, rượu, thuốc lá. Tại các cảng hàng không quốc tế, bưu cục quốc tế thường diễn ra các hoạt động buôn lậu các loại hàng cấm, hàng có thuế suất tiêu thụ đặc biệt cao; còn tại các cảng biển quốc tế, tình trạng buôn lậu luôn nóng với các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, động vật hoang dã, thiết bị y tế cũ…
Tháng 8-2015, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 4 vụ buôn lậu ngà voi, sừng tê giác qua cửa khẩu Tiên Sa (Đà Nẵng), thu giữ 3,9 tấn ngà voi, hơn 4 tấn vảy tê tê và 142 kg sừng tê giác. Với sự ra quân tích cực của các lực lượng chức năng, năm 2015, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt được những kết quả khá tích cực. Tính đến ngày 15-11-2015, lực lượng chức năng các cấp đã bắt giữ , xử lý 186.989 vụ việc vi phạm (tăng 6,47% so với cùng kỳ năm 2014); số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước từ xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế ước đạt hơn 11,53 nghìn tỷ đồng (tăng 5,75% so với cùng kỳ năm 2014), khởi tố 1.123 vụ với 1.281 đối tượng. Đối phó với các lực lượng chức năng, hiện nay, khi Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, nhu cầu mua bán, sắm sửa của người dân tăng mạnh thì chuyện buôn lậu lại đang diễn ra càng phức tạp với những phương thức và thủ đoạn tinh vi như chia nhỏ, xé lẻ hàng lậu, thuê người canh lực lượng chức năng (“chim lợn”) tại các đường mòn, lối mở và ngay tại trước cửa cơ quan chức năng, các đoàn xe chở thuốc lá lậu không tập trung thành đoàn nữa mà xé lẻ đi vào chiều tối hoặc rạng sáng…để tìm mọi cách vận chuyển, tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, nếu lực lượng chức năng mỏng, họ sẵn sàng chống trả, cướp giật lại hàng. Tại rất nhiều chợ lớn nhỏ, trung tâm thương mại sâu trong nội địa, ngay tại các thành phố lớn, người ta vẫn thấy các loại hàng lậu, hàng giả đội lốt hàng Việt như các loại thực phẩm, rượu bia, rau quả, quần áo và các loại hàng tiêu dùng vẫn được bày bán công khai, len lỏi vào các ngõ ngách. Không chỉ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dung mà các loại hàng nhập lậu còn góp phần làm cho hàng nghìn người lao động sản xuất mất việc làm, không tiêu thụ được hàng hóa sản xuất ra, tác hại lớn đến nền sản xuất trong nước. Việc ấy, được nhìn thấy rõ hơn trong dịp chuẩn bị Tết Nguyên đán Bính Thân.
Chính quyền và lực lượng chức năng ở các địa phương đang tích cực đấu tranh với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và thu được nhiều kết quả, song sự hợp tác, chủ động của mỗi người dân chúng ta là không thể thiếu; cụ thể, tâm lý hám hàng rẻ, vô tình tiếp tay cho hàng lậu cần được mỗi người chúng ta cảnh giác, nhất là các loại rượu, thuốc lá, thực phẩm… để bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho mỗi người trong dịp Tết.
Huyền Thanh