Giáo viên cần biết cách làm chủ, kiếm chế cảm xúc
Đọc tin trên các báo về một cô giáo ở tỉnh Vĩnh Phúc dùng kéo cắt tóc nữ sinh ngay trong lớp học” và xem qua hình ảnh trong video; tôi bị sốc và tự hỏi: “Cô giáo trong hình cũng đã lớn tuổi, sao lại yếu kém về cách xử lý tình huống sư phạm như thế?”.
Trong quá trình dạy học, dù đang giảng bài trên lớp hay trong ngoại cảnh, chúng ta đều gặp rất nhiều tình huống sư phạm xảy ra. Mỗi tình huống đều có sự khởi đầu, nội dung và kết thúc. Tất cả sự diễn biến đó xảy ra rất nhanh, có khi mình không nắm bắt được bản chất thật của vấn đề.
Có tình huống khiến cho giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm rất bức xúc; muốn “đánh nhanh, thắng nhanh”, muốn “giáo dục” các em ngay lập tức để các em trở về “quỹ đạo” ngoan ngoãn, vâng lời… Nhưng mọi sự nóng vội đều không mang lại kết quả như mong muốn , thậm chí còn phản tác dụng! Ở đây, tôi muốn nói đến kỹ năng kiềm chế cảm xúc của người làm công tác giáo dục.
Không phải ngẫu nhiên mà có nhiều giáo viên có sự kiềm chế cảm xúc rất tốt; họ xử lý mọi tình huống vừa có lý có tình, tâm phục khẩu phục… Tất cả đều trải qua sự rèn luyện, sự hoàn thiện của bản thân mới có được như vậy.
Gặp những tình huống xảy ra, trước tiên chúng ta cần đặt câu hỏi và trả lời ngay trong giây lát: Sự việc này xảy ra từ nguyên nhân nào? Tại sao lại có tình huống lúc này? Từ đó phân loại tình huống thật nhanh và tìm ra những cách xử lý khôn khéo, mềm dẻo, phù hợp tâm lý lứa tuổi.
Cha ông xưa từng nhắc nhở: “Lạt mềm buộc chặt”; vì lạt (dây) cứng thì buộc không ổn, không chặt… Lời nói nhẹ nhàng, dịu dàng mà thấm, mà sâu sẽ tác dụng hơn tất cả những lời thóa mạ, những hành vi phản giáo dục, phản cảm trong môi trường giáo dục.
Trường hợp gặp tình huống ngoài sự kiểm soát, quá tầm xử lý của mình thì cần ghi nhận vụ việc, thông báo lại với nhà trường, kết hợp với phụ huynh nhằm có biện pháp giáo dục tốt nhất, hiệu quả nhất. Điều tối kỵ là đừng để cơn nóng giận lấn át lý trí, làm cho mình mất phương hướng, dẫn tới những hành động sai trái, vi phạm.
Nhiều người cho rằng nghề dạy học, bên cạnh năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm thì cần có thần kinh vững vàng. Đúng như vậy! Cần có sự bình tĩnh, tự chủ, không bị ngoại cảnh bên ngoài chi phối khi gặp tình huống xảy ra…
Có được như vậy, giáo viên mới có sự sáng suốt, vượt qua mọi tín hiệu “nhiễu” để tìm ra cách giải quyết vấn đề một cách ổn thỏa.
Trở lại với tình huống học sinh nhuộm tóc, có thể giáo viên có những lời nói về vẻ đẹp của mái tóc người phụ nữ. Nhưng các em còn trong tuổi đến trường, cần phải tuân thủ nội quy nhà trường đưa ra là không được nhuộm tóc. Hơn nữa, nhuộm tóc bằng hóa chất sẽ gây ra nhiều hậu quả không tốt về sau mà khoa học đã lên tiếng cảnh báo… Sau đó liên hệ với gia đình để cùng hợp tác, cùng giáo dục, dạy bảo các em…
Giáo dục học trò phải bằng tình yêu thương, bằng sự bao dung, độ lượng; bằng sự sẻ chia và thấu hiểu sẽ mang lại nhiều thành công.
Lê Đức Đồng