Giáo dục pháp luật cho nhân dân vùng biên giới
Cán bộ Đồn biên phòng Chiu Riu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào S’tiêng ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.
Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng - Chính ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết: Hoạt động của Đề án tại Tây Nam Bộ năm 2018 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, từ năm 2017, nguồn nhân lực làm công tác PBGDPL vùng biên giới, hải đảo trên cả nước, trong đó có khu vực Tây Nam Bộ được nâng cao đáng kể về chất và lượng; hoàn thiện hệ thống tủ sách pháp luật, mạng lưới truyền thanh nội bộ tại địa phương; duy trì được thói quen tìm hiểu pháp luật của nhân dân và hoạt động của mô hình tổ hòa giải, tư vấn pháp luật tại địa phương...
Song, tại Hội nghị các đại biểu cũng chỉ ra một số hạn chế trong việc thực hiện Đề án như: Công tác dự báo tình hình của một số đơn vị chưa toàn diện, sát thực tiễn; sự quan tâm, chỉ đạo, phối hợp giữa các cơ quan, thành viên Ban Đề án chưa thực sự sâu sát, chặt chẽ; đời sống, trình độ dân trí của nhân dân khu vực biên giới, hải đảo so với mặt bằng chung cả nước hạn chế... là những khó khăn trong quá trình thực hiện Đề án.
Phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Lê Chiêm đánh giá cao kết quả của công tác PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo các tỉnh Tây Nam Bộ thời gian qua và chỉ ra những mặt hạn chế trong việc thực hiện và triển khai Đề án. Thượng tướng yêu cầu, các Ban, Bộ, ngành Trung ương cần phát huy vai trò, nhiệm vụ được giao để tham mưu cho Đảng, Nhà nước thực hiện tốt Đề án; tăng cường phối hợp với đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn triển khai công tác PBGDPL, giữ vững an ninh biên giới, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; các đơn vị chức năng tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa hình thức PBGDPL phù hợp với tình hình đơn vị và địa phương; thường xuyên kiểm tra, rút kinh nghiệm để việc thực hiện đề án đạt kết quả cao nhất...
Tuấn Sơn