Gian nan cuộc chiến chống buôn lậu xăng dầu
Đại tá Trần Văn Nam - Cục trưởng Cục Nghiệp vụ-Pháp luật, Bộ Tư lệnh CSB cho biết: Lợi dụng sự ưu đãi của Chính phủ theo Nghị định 67, các đối tượng đưa tàu ra vùng biển giáp ranh mua dầu lậu bán cho các tàu cá Việt Nam nhằm trốn thuế. Chúng thực hiện hành vi này vào ban đêm, thường ở khu vực biển nước ngoài, khi trời sáng di chuyển về khu vực biển giáp ranh giữa Việt Nam và các nước để sang mạn dầu. Sau một số lần bị kiểm tra, bắt giữ, các đối tượng giờ rất cảnh giác, tổ chức cảnh giới, quan sát từ xa nhằm phát hiện lực lượng chức năng cơ động ra khỏi vùng biển Việt Nam, gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng của ta kiểm tra, truy đuổi, bắt giữ. Đặc biệt trong thời gian qua, lực lượng CSB đã thu giữ trên tàu buôn lậu dầu nước ngoài một số loại vũ khí nóng. Điều này cho thấy tính chất nguy hiểm của các đối tượng, và nếu chúng ta xử lý tình huống không chính xác, linh hoạt, mất cảnh giác thì hậu quả xấu sẽ xảy ra.
Các đối tượng cầm đầu thường sử dụng thuyền viên của các nước khác nhau (Thái Lan, Campuchia..), gây nhiều khó khăn cho việc điều tra, xác minh nguồn gốc tàu thuyền. Rất tai hại là một số doanh nghiệp của Việt Nam, lợi dụng được phép nhập khẩu xăng dầu, đã sử dụng thủ đoạn khai báo gian dối với các cơ quan chức năng để đưa về số lượng xăng dầu nhập khẩu nhiều hơn số lượng khai báo.
Theo Đại tá Trần Văn Nam, thời gian tới, hoạt động buôn lậu xăng, dầu vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng buôn lậu có thể sử dụng thủ đoạn mới không vận chuyển dầu với số lượng lớn mà chia nhỏ để thực hiện hành vi bán, sang mạn dầu trái phép. Các tàu mua dầu sẽ tổ chức lực lượng theo dõi, thông tin cho nhau vị trí hoạt động của lực lượng chức năng, thực hiện vòng tránh nhằm trốn tránh việc kiểm tra, bắt giữ.
Trước tình hình đó, Lực lượng CSB tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu. Xây dựng các kế hoạch, phương án đấu tranh cụ thể, phù hợp từng thời điểm, từng địa bàn; thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm buôn lậu xăng dầu. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, nhất là trên các địa bàn, tuyến biển trọng điểm. “Phương châm là lấy “phòng” làm chính, đồng thời tập trung đấu tranh, khám phá các chuyên án lớn, tội phạm có tổ chức, tội phạm có yếu tố nước ngoài” - Đại tá Nam nhấn mạnh.
Trần Thịnh