Số là, ngày 19-10, Cục Giao thông vận tải Liên bang Đức (KBA) thông báo cơ quan này đã yêu cầu hãng xe Opel, hiện thuộc sở hữu của tập đoàn PSA (Pháp), thu hồi 73.000 xe chạy bằng động cơ diesel trên toàn thế giới do được cài đặt phần mềm gian lận khí thải.
Các xe này được sản xuất trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến năm 2016 và đã được xác nhận đáp ứng tiêu chuẩn khí thải "Euro 6". Tuy nhiên, KBA lập luận rằng các xe này đã được hãng Opel cài đặt thiết bị gian lận khí thải. Đây là phần mềm được thiết kế để trong quá trình kiểm tra, các phương tiện thải ra một lượng khí gây ô nhiễm thấp hơn so với khi lưu hành trên thực tế. Thêm vào đó, KBA cũng cho biết Opel đã tự cập nhật phần mềm này cho 23.000 trong tổng số 96.000 xe của hãng.
Đây là vụ việc mới nhất sau vụ bê bối gian lận khí thải năm 2015 của hãng Volkswagen đã đẩy các dòng xe động cơ diesel vào "tầm ngắm" của Chính phủ Đức. Trong vụ bê bối này, Volkswagen đã thừa nhận giảm bớt thông số khí NOx thải ra môi trường so với thực tế của 11 triệu xe đã bán trên toàn thế giới. Volkswagen đã phải chi 14,7 tỷ USD để khắc phục hậu quả bê bối, bao gồm khoản tiền đền bù và thanh toán chi phí sửa chữa, nâng cấp ở Mỹ. Tổng thiệt hại của Volkswagen trong vụ bê bối này là 31 tỷ USD.
Thế mới thấy, gian lận tinh vi cần được xử lý bằng những chế tài cứng rắn.
Nam Long