Gian lận khi bán xăng dầu có thể bị phạt tù đến 7 năm (17/02/2013)

Xử phạt hành chính:*** ***Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 104/2011/NĐ-CP ngày 16/11/2011 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu: Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Tự ý tháo dỡ niêm phong, kẹp chì, dấu kiểm định, tem kiểm định trên phương tiện đo mà không thông báo với cơ quan có thẩm quyền theo quy định;

b) Làm thay đổi tình trạng kỹ thuật và đặc tính đo lường của phương tiện đo như tác động, điều chỉnh, sửa chữa, thay thế, lắp thêm, rút bớt thiết bị của phương tiện đo hoặc sử dụng các thiết bị khác để điều chỉnh sai số của phương tiện đo vượt quá giới hạn cho phép;

c) Sử dụng phương tiện đo bị sai, bị hỏng hoặc không đúng quy định về đo lường xăng dầu;

d) Sử dụng phương tiện đo xăng dầu không có Giấy chứng nhận kiểm định, dấu kiểm định, tem kiểm định theo quy định;

đ) Không thực hiện kiểm định phương tiện đo trong thời hạn quy định theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

e) Có hành vi gian lận khác về đo lường khi bán xăng dầu

Như vậy, người có hành vi gian lận về đo lường khi bán xăng dầu như bơm nối vào người mua xăng trước, điều chỉnh thiết bị đo lường... có thể bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả khác.

**Truy cứu trách nhiệm hình sự: **Điều 162 BLHS quy định về tội lừa dối khách hàng như sau:

  1. Người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

  2. Phạm tội nhiều lần hoặc thu lợi bất chính lớn bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

  3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng.”

Theo đó, hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu của nhân viên, đại lý phân phối có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa dối khách hàng khi hành vi gian lận đó thỏa mãn một trong các điều kiện sau: Gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Như vậy, khi thỏa mãn một trong các điều kiện nêu trên thì đại lý phân phối xăng dầu có hành vi gian lận trong kinh doanh có thể bị phạt tù đến 7 năm hoặc phạt tiền đến 50 triệu đồng.

*Quyền của khách hàng: ***Khi bị gian lận trong đo lường xăng tại các cây xăng, theo quy định tại Điều 8 Luật bảo vệ người tiêu dùng, để bảo vệ quyền lợi của mình, khách hàng có các quyền sau:

  • Khiếu nại trực tiếp với nhân viên bán xăng, người quản lý, chủ đại lý phân phối xăng và yêu cầu bồi thường thiệt hại số lượng xăng bị thiếu.

  • Khiếu nại, tố cáo hành vi gian lận và yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện nơi có đại lý bán xăng gian lận đó giải quyết.

  • Khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện đại lý bán xăng gian lận ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đại lý bán xăng đó để bảo vệ quyền lợi của mình.

  • Tố cáo đến cơ quan Công an hành vi gian lận của nhân viên bán xăng, người quản lý, chủ đại lý phân phối xăng trong trường hợp bị thiệt hại nghiêm trọng.

Theo Vnexpress (TH)