Giảm thiểu hiểm họa từ tai nạn giao thông (15/09/2011)
Theo thống kê của Phòng cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội thì 6 tháng đầu năm 2011, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 392 vụ tai nạn giao thông, làm 330 người chết và 134 người khác bị thương. Điển hình là vào hồi 15 giờ ngày 30-3-2011, tại km 18+800 trên quốc lộ 1A, khu Gian, xã Hạ Hồi, huyện Thường Tín xảy ra vụ tai nạn giữa tàu hỏa SE8 với ô tô khách BKS 20L 4564 làm chết 9 người và bị thương 10 người do lái xe ô tô thiếu chú ý quan sát. Trước đó, lúc 14 giờ 30 phút ngày 1-1-2011, ở km 36+100 quốc lộ 21B, địa phận xã Hòa Phúc, huyện Ứng Hòa, xe ô tô BKS 30V 9497 va chạm với xe mô tô BKS 33V8 9828 làm cho 2 người chết tại chỗ, nguyên nhân lái xe ô tô đi sai phần đường… Những người bị thiệt mạng chủ yếu là đàn ông, trụ cột của gia đình, khiến cho những người vợ xót xa khi mất đi người chồng thân yêu, đứa con nghẹn ngào than khóc vì không còn được vòng tay người cha âu yếm vỗ về, bảo ban dạy dỗ trên đường đời. Hậu quả của tai nạn giao thông là hiểm họa của mọi nhà và xã hội.
Không những vi phạm an toàn giao thông, gây thiệt hại về người và của; gần đây còn xảy ra nhiều vụ đã vi phạm TTATGT còn có hành vi chống người thi hành công vụ. Đó là, vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 8-3-2011, tại ngã 5 Yên Phụ, đường Thanh niên, tổ tuần tra của Đại úy Phạm Anh Tuấn và thượng sĩ Trần Xuân Quỳnh (Đội CSGT số 2) phát hiện 5 thanh niên đi mô tô không đội mũ bảo hiểm vượt đèn đỏ từ cửa khẩu An Dương đã ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra, các đối tượng không chấp hành còn lăng mạ tổ công tác. Khoảng 30 phút sau, nhóm thanh niên quay lại nhổ nước bọt và hành hung đồng chí Quỳnh. Tổ công tác cùng nhân dân đã bắt giữ được 2 đối tượng giao cho công an phường Yên Phụ giải quyết. Tiếp đó, hồi 10 giờ ngày 19-4-2011, tại ngã tư Láng, đường Láng Hạ, tổ tuần tra kiểm soát của thượng sĩ Lê Huy Hoàng và trung sĩ Nguyễn Trung Thành (Đội CSGT số 3) phát hiện xe mô tô BKS 30L6 0925 đèo sau một phụ nữ, một trẻ em, cả ba đều không đội mũ bảo hiểm, khi ra tín hiệu dừng xe, thanh niên điều khiển tăng ga lao thẳng vào trung sĩ Nguyễn Trung Thành, khiến anh ngã, đầu đập xuống đường bị trọng thương. Xe mô tô đổ, người phụ nữ cũng bị thương, chiều hôm ấy, thanh niên điều khiển xe mô tô phải ra đầu thú. Còn nhiều những vụ chống đối khác như xe ta-xi hất cảnh sát lên ca-pô, người vi phạm chém lại người thi hành công vụ… gây dư luận bức xúc trong nhân dân.
Trung tá Nguyễn Đức Thịnh, Đội phó Đội khám nghiệm và tuyên truyền luật lệ giao thông Công an TP Hà Nội cho biết: Ngay từ đầu năm, công an thành phố đã phối hợp với các cơ quan chức năng, ban ngành, đoàn thể tổ chức hàng trăm buổi truyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và đường sắt cho hàng triệu lượt người tại các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, học sinh và sinh viên trên địa bàn; kẻ vẽ hàng ngàn pa-nô, băng-rôn, khẩu hiệu về an toàn giao thông ở các nơi công cộng và tổ chức 2 cụm pa-nô cỡ lớn tại Ga Hà Nội và bến xe Giáp Bát.
Công tác tuần tra kiểm soát trú trọng các lỗi đi sai phần đường, đỗ và dừng xe sai quy định, vi phạm tốc độ và nhất là uống rượu bia khi tham gia giao thông. Chỉ trong tuần đầu tháng 9, công an đã bắt và xử lý khoảng 100 trường hợp phạm lỗi sử dụng bia rượu khi điều khiển ô tô, xe máy. Đặc biệt 100% số quận, huyện, thị xã đã thành lập các đội cảnh sát giao thông, trong đó có 9 đội cảnh sát giao thông, trật tự, phản ứng nhanh. Lực lượng này được trang bị hiện đại, chính quy như xe ô tô, mô tô các loại, súng bắn đạn hơi cay, đạn cao su, máy đo nồng độ cồn, máy đo tốc độ… Kinh phí cho lực lượng làm nhiệm vụ, theo quy định hiện hành là trích từ nguồn xử phạt các lỗi vi phạm về TTATGT.
Bằng mọi nỗ lực, tình hình vi phạm TTATGT của Thủ đô đã giảm ở cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Đó là giảm được 78 vụ, giảm 50 người chết và giảm 48 người bị thương. Chưa nhiều nhưng đó cũng là hạnh phúc và mong muốn của mọi gia đình và xã hội.
Tô Kiều Thẩm