Theo Báo cáo giám sát, sau 10 năm thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, kết quả quan trọng nhất là hàng trăm ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất; nhiều hộ đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống; xuất hiện một số mô hình sản xuất, chăn nuôi, chuyển nghề hiệu quả.

Một số điểm định canh định cư và tái định cư, khu dân cư được quy hoạch, đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của đồng bào.

Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, từ chỗ không có nhà ở, không có hoặc thiếu đất sản xuất; nhiều hộ nghèo đói, du canh, du cư, di cư tự do, nay đã có nhà ở, có đất sản xuất, được sở hữu, làm chủ tư liệu sản xuất; đời sống bước đầu đã được ổn định...

Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn trên 300.000 hộ dân tộc thiểu số nghèo thiếu và không có đất ở, đất sản xuất, gần bằng số hộ cần đầu tư của giai đoạn khởi đầu chính sách (2002-2008).

Qua giám sát, nổi lên một số tồn tại, bất cập, hạn chế như công tác tổng hợp số liệu, rà soát, xác định đúng đối tượng thụ hưởng chính sách này còn hạn chế. Trong khi đó, công tác tham mưu, hoạch định chính sách còn bị động, giải quyết tình thế; công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc đang có biểu hiện chồng chéo, thiếu tập trung. Mục tiêu hạn chế nhanh, đi đến chấm dứt tình trạng di cư tự do vẫn đang là thách thức...

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao kết quả giám sát, phản ánh tương đối đầy đủ tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số với những kết quả đạt được, chỉ ra hạn chế, bất cập, tồn tại và nguyên nhân của những tồn tại và đề xuất, kiến nghị những giải pháp, đề xuất.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, trong đó tập trung đề nghị làm rõ hơn nguyên nhân thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và biện pháp, nguồn lực, thời hạn cụ thể giải quyết tình trạng còn trên 300.000 hộ dân tộc thiểu số nghèo thiếu và không có đất ở, đất sản xuất.

Theo Đoàn giám sát và các bộ, ngành liên quan, vấn đề nan giải, khó khăn nhất hiện nay là quỹ đất sản xuất có hạn, nhất là vùng núi đá phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long.

Do đó, chưa thể trả lời khi nào giải quyết xong tình hình thiếu đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Không có nguồn đất, bên cạnh đó là dân cư tăng, tách hộ; chưa giải quyết căn bản vấn đề việc làm cho đồng bào, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế... là những nguyên nhân khiến sức ép về đất sản xuất ngày càng tăng. Do đó, cần có giải pháp đồng bộ, toàn diện chứ không chỉ riêng vấn đề đất đai; nghiên cứu đầu tư để phát triển theo đặc thù vùng khó khăn về điều kiện tự nhiên.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng giải pháp quan trọng đặt ra hiện nay là quy hoạch và phân bố lại nguồn lực đất đai, trong đó cần thực hiện tốt mục tiêu thu hồi đất từ các nông, lâm trường để tạo quỹ đất, giao cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất, không có đất sản xuất; tăng cường hỗ trợ đất khai hoang phục hóa và cũng phải tính đến việc mua đất cho người dân.

Bên cạnh đó là hạn chế tình trạng chuyển nhượng vì thực tế có những hộ tái thiếu đất do sang nhượng hoặc được giao đất nhưng di chuyển đi nơi khác, nhận đất nhưng không sử dụng... Trong tình hình hạn chế về nguồn đất, căn cơ nhất là chuyển hướng sang tạo việc làm, dạy nghề; tiếp tục các chương trình đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số để từ đó ổn định sinh hoạt, sản xuất, học tập, đóng góp vào đại đoàn kết toàn dân tộc, làm giàu cho đất nước là một nhiệm vụ nặng nề, cần đưa ra được mục tiêu, giải pháp và thời hạn cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng loại hình.

Việc giải quyết đất ở, đất sản xuất phải tùy thuộc vào đặc thù, điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của từng vùng, từng cộng đồng dân tộc thiểu số và từ nhiều nguồn khác nhau. Bên cạnh đó là chú trọng các giải pháp hỗ trợ việc làm, đầu tư, tổ chức sản xuất kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật...

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng đối với vấn đề di cư tự do, một mặt cần quy hoạch để dân vào vùng có đất nhưng quan trọng hơn là tổ chức tốt cuộc sống tại chỗ, với điều kiện đất ít hơn nhưng là nơi có văn hóa, truyền thống, cộng đồng, làng xóm, tiếng nói, chữ viết... của đồng bào.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí việc ban hành Nghị quyết với 3 nội dung khẳng định kết quả cuộc giám sát; yêu cầu Chính phủ sớm có giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại, yếu kém, tiếp tục thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; mục tiêu, giải pháp tháo gỡ, khắc phục tình trạng 300.000 hộ dân tộc thiểu số còn thiếu đất ở, đất sản xuất. Giao trách nhiệm nghiên cứu, bổ sung các quy định đặc thù về quản lý, sử dụng đất đai trong vùng dân tộc thiểu số khi sửa đổi Luật đất đai và một số luật liên quan.../.

Theo TTXVN

Cao Thúy