Giám sát quyền lực?

Tác giả viết: “Đảng cũng đang đứng trước “nguy cơ tồn vong” bởi “một bộ phận không nhỏ” đảng viên suy thoái, biến chất. Vậy nên, một trong những vấn đề đặt ra có tính khoa học và thực tiễn là: quyền lực của Đảng, hoạt động của các tổ chức Đảng và đảng viên phải được kiểm soát, giám sát như thế nào? Thiết nghĩ, vấn đề này cần được hiến định rõ ràng, tương thích với Điều 4 Hiến pháp về sự lãnh đạo của Đảng đối với “Nhà nước và xã hội”.
Tôi không đồng ý kiến của Bảo Linh cho rằng “Đảng “lấn sân” chính quyền” nên đã gây ra “nguy cơ tồn vong” bởi “một bộ phận không nhỏ” cán bộ là đảng viên suy thoái”. Nói như thế là nói ngược. Nói không đúng.
Trong thực tế, vừa qua chính vì những đảng viên có chức, có quyền ở những lĩnh vực liên quan đến tiền bạc, đã móc ngoặc, liên kết thành lợi ích nhóm, tạo lập những “vương quốc” riêng thoát khỏi sự lãnh đạo chung của Đảng để tham ô, tham nhũng, hình thành nên “một bộ phận không nhỏ” nói trên. Những vụ án kinh tế lớn bị điều tra đa phần vì vụ việc đã quá nghiêm trọng, hay do công luâjận phanh phui chứ không phải do Đảng kiểm tra, giám sát phát hiện ra. Nếu sự lãnh đạo của Đảng thực sự “lấn sân” như ý kiến của Bảo Linh, thì những vụ đó đã được ngăn chặn.
Nước ta cũng có cơ chế tam quyền phân lập, cũng có Quốc hội lập pháp, Chính phủ hành pháp, Tòa án Tối cao xử án. Bao trùm lên cơ chế đó còn có Đảng lãnh đạo. Lẽ ra sự phạm pháp phải bị kiểm soát tốt hơn ở những nước thực hiện cơ chế chỉ có “tam quyền phân lập”. Nhưng thực tế đã diễn ra ngược lại.
Có tình trạng như vậy bởi, đúng là Đảng lãnh đạo toàn diện, nói theo “lề trái” là “toàn trị”, nhưng trong thực tế lại không hẳn như thế. Đảng lãnh đạo bằng đường lối, nghị quyết; còn thực hiện, biến nghị quyết trở thành hiện thực là cả một hệ thống chính trị. Không phải ở đâu, không phải việc gì Đảng cũng can thiệp, kiểm soát được hết. Nhất là trong cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí thì lại càng không phải dễ mà Đảng kiểm tra, kiểm soát được triệt để. Nhất là những lĩnh vực liên quan đến “lợi ích cá nhân” thì lại càng khó. Tiếp xúc cử tri ở 2 quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải dẫn một câu châm ngôn để nói một cách hình ảnh về khó khăn, phức tạp của cuộc chiến “chống giặc nội xâm”: “Miếng ăn là miếng tồi tàn/ Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu”…
Đúng là đụng đến lợi ích cá nhân là vấp phải những phản ứng quyết liệt. Nhất, một khi lợi ích nhóm đã móc ngoặc với nhau thành đường dây thì lại càng vô cùng phức tạp. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng nói ý là giải quyết các vấn nạn bây giờ rất khó vì “đụng đâu vướng đó”.
Vậy thực chất quyền lực của Đảng còn “nghẽn” ở đâu? Trách nhiệm các cơ quan của Đảng phải tìm ra để hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng. Phải đổi mới, tăng cường hơn nữa về sự lãnh đạo của Đảng, nhưng không phải để “tránh nguy cơ Đảng “lấn sân” chính quyền” như ý của Bảo Linh, mà là làm cho sự lãnh đạo của Đảng thực chất toàn diện. Có vậy mới giám sát được mọi hoạt động của chính quyền, đoàn thể. Đảng không làm cụ thể, nhưng Đảng có quyền giám sát, mà quyền giám sát là quyền đặt cao hơn. Càng những lĩnh vực liên quan đến kinh tế, tiền bạc, ngân sách…, thì Đảng càng cần phải giám sát chặt chẽ hơn.
Bên cạnh việc tăng tính tự chủ cho các đơn vị kinh tế để năng động trong sản xuất kinh doanh, thì đồng thời cũng phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nhưng phải được luật hóa, tránh quy định chung chung như hiện nay.
Vừa qua một loạt các công ty lớn của Nhà nước thua lỗ, tham ô, tham nhũng là do các công ty này đã nằm ngoài tầm kiểm soát của Thủ tướng và các Bộ trưởng, bởi những quy định nhằm “tăng quyền độc lập cho các đơn vị kinh tế”. Ví dụ, quy định “Cơ quan thực hiện quyền của chủ sở hữu nhà nước không can thiệp trái pháp luật vào các công việc của Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc của công ty nhà nước…”.
“Quyền độc lập cho các đơn vị kinh tế” trong thực chất đồng nghĩa với hạn chế kiểm tra, giám sát của Đảng.
Còn “sợ” Đảng “lấn sân” trở thành độc tài thì không có cơ sở. Đơn giản là vì Đảng không phải là một cá nhân, một nhóm người mà là cả một tập thể lớn. Mọi cán bộ các cấp của Đảng đi đôi với quyền theo hiến định còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hành vi của mình.
Như vậy, cả những người giữ vị trí cao nhất của Đảng cũng có thể bị tố cáo nếu phạm pháp. Có chăng, rắc rối ở ta chính là sự “cả nể”; “trọng tình hơn trọng lý” - tàn dư của lối ứng xử trong xã hội phong kiến.
Thông thường thì ai cũng “ngại” phê bình, “ngại” tố cáo cấp trên. Chính vì thế lại càng cần phải được luật hóa.
Đông La