Giám sát lời hứa
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ trình bày chương trình hành động với cử tri huyện An Lão.
Ngày 9-5, trong buổi tiếp xúc cử tri T.P Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị cử tri thực hiện một nội dung giám sát khá mới: Giám sát lời hứa của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội Khóa XV.
Về chuyện thực hiện lời hứa của ứng cử viên thì Việt Nam ta có cả một câu chuyện dài. Chuyện thất hứa đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp thất hứa là một chuyện; người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp thất hứa cũng là một chuyện; thậm chí ở tầm vĩ mô, việc Quốc hội, Chính phủ “nợ” các dự án luật cũng có thể coi là sự thất hứa với cử tri cả nước; nhưng chúng ta chưa có chế tài để xử lý thật cụ thể, rõ ràng. Chủ tịch Quốc hội Khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng từng có câu nói nổi tiếng: “Quốc hội tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật được ai?”. Thoạt nghe, sẽ có người thấy không ổn. Quốc hội là cơ quan đại diện quyền lực của dân, do dân bầu nên, chứ không thể nói Quốc hội là dân!? Nhưng xét cho cùng, trong các quyết định của Quốc hội, thì khó có thể truy cứu trách nhiệm cá nhân. Bởi ngay cả Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ là người điều phối, chủ tọa phiên họp. Khi quyết định một vấn đề, lá phiếu của Chủ tịch Quốc hội cũng bình đẳng như các đại biểu Quốc hội khác. Như vậy, rất cần có chế tài cụ thể nếu muốn xử lý trách nhiệm cá nhân, kể cả người đứng đầu.
Trở lại với vấn đề lời hứa trước dân. Đây là vấn đề đã được đề cập từ lâu trong các Văn kiện của Đảng. Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XII) đã chỉ rõ đó là một dạng suy thoái của cán bộ, đảng viên: “Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán...”.
Nhìn sâu và xa hơn, từ trong cuốn “Đường kách mệnh” năm 1927, mục “Tư cách một người cách mệnh”, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh: "Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng ham muốn về vật chất. Bí mật”. Hay tại Đại hội chiến sĩ thi đua nông nghiệp toàn quốc lần thứ III, ngày 23-5-1958, Bác Hồ đã nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Đã hứa thì phải làm, làm thì nhất định phải được”.
Người đại biểu của dân, nhất là người đảng viên cộng sản phải xem việc giữ gìn lời hứa như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Thực hiện lời hứa, tuy chưa có chế tài cụ thể, nhưng lại là nhân tố khẳng định phẩm chất đạo đức của người đại biểu. Có những người, vì lý do khách quan nào đó, không thực hiện được lời hứa trước dân, cần thực thà nhận khuyết điểm, đồng thời đánh giá lại mình, vì sao không thực hiện được lời hứa đó. Chỉ có như thế thì mới giữ được danh dự của đại biểu trước cử tri.
Nhà nước ta đang đi từng bước vững chắc trên con đường xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Vì vậy, từ đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ngày 9-5 cho thấy, rất cần có một dự án luật về giám sát đại biểu Quốc hội, trong đó có giám sát thực hiện lời hứa. Tránh tình trạng lúc ứng cử thì “hứa lấy được” nhưng khi trở thành đại biểu của dân thì không thực hiện.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, một người từng là đại biểu Quốc hội nhiều khóa liền, tâm sự: “Trước đây, khi tranh cử, tôi thường hứa với cử tri những điều giản dị, dễ làm; như hứa sẽ không vắng mặt trong các kỳ họp Quốc hội; hứa sẽ không từ chối tiếp bất kỳ công dân nào khi họ đăng ký...”. Thiết nghĩ, những lời hứa dung dị như vậy, không chỉ dễ thực hiện mà thể hiện trách nhiệm rất cao của đại biểu. Chúng ta đã từng chứng kiến, có những phiên họp vắng rất nhiều đại biểu Quốc hội. Nhiều người thường lấy lý do mình phải đảm đương nhiều chức vụ khác nhau, đành vắng mặt trong một số kỳ họp.
Họ quên rằng, sự vắng mặt của họ khi Quốc hội quyết định những vấn đề lớn của đất nước chính là sự đánh mất quyền đại diện của các cử tri đã bầu họ. Nói thẳng ra, đó là sự lạm quyền, coi thường dân. Đáng nói là, điều này thường rơi vào các đại biểu “có chức, có quyền”. Họ ngồi “trên cao” và thường quên rằng mình là đại biểu của dân, công bộc của dân, chứ không phải “thích” thì đến dự và “không thích” thì nại đủ lý do để vắng mặt. Tại sao khi ứng cử Quốc hội, họ không “dám” đề cập một hạn chế là “bận nhiều việc” nên có thể xao lãng trách nhiệm đại biểu!?.
Giám sát lời hứa của các ứng viên đại biểu Quốc hội là chi tiết tưởng nhỏ mà rất lớn trong hành trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Rất may, người đứng đầu Quốc hội đã nhìn ra vấn đề này và đó là cơ sở để chúng ta tin tưởng vào Quốc hội Khóa XV sẽ thực sự là Quốc hội “của dân, do dân, vì dân”.
Ngọc Vân