Giám sát của Hội CCB trong cơ chế kiểm soát quyền lực
Điều 3, Pháp lệnh Cựu chiến binh năm 2005 quy định: “Hội Cựu chiến binh Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đại diện ý chí, nguyện vọng của Cựu chiến binh, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.
Hội Cựu chiến binh Việt Nam (sau đây viết tắt là Hội CCB) là một bộ phận cấu thành hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Hiện nay, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội CCB là “giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật”[1].
Như vậy, hoạt động giám sát của Hội CCB (cùng với Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội khác) là một trong những hình thức của cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong hệ thống chính trị Việt Nam (Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước là một chỉnh thể các thể chế pháp lý và các thiết chế của nhà nước có liên quan đến việc kiểm soát quyền lực nhà nước của các cơ quan nhà nước, có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, cùng vận hành nhằm ngăn ngừa, loại bỏ những hành vi vi phạm của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, bảo đảm cho quyền lực nhà nước được tổ chức và thực hiện theo đúng Hiến pháp và pháp luật)[2]. Đó là hoạt động “theo dõi, phát hiện, xem xét; đánh giá kiến nghị nhằm tác động đối với cơ quan, tổ chức và cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước về việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”[3].
Mặc dù hoạt động giám sát của Hội CCB là một trong những hình thức của cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước nhưng hoạt động đó không mang tính quyền lực nhà nước, bởi giám sát của Hội CCB là giám sát xã hội (là sự giám sát từ bên ngoài vào nhà nước).Tuy không thể hiện tính quyền lực nhà nước, nhưng giám sát của Hội CCB có tác dụng rất lớn bởi các kiến nghị, đề nghị, tham vấn của Hội CCB nếu chính xác và phù hợp sẽ tạo ra sức mạnh dư luận xã hội, có thể dẫn đến những sửa đổi, điều chỉnh đối với chính sách, pháp luật, dự án kinh tế - xã hội do Nhà nước ban hành. Do đó, hoạtđộng giám sát của Hội CCB bổ trợ cho hoạt động giám sát nhà nước, đảm bảo cho hoạt động giám sát của nhà nước đạt hiệu quả, qua đó sẽ giúp các chủ thể thực hiện giám sát nhà nước (như Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp) kịp thời phát hiện các hành vi sai phạm trong quá trình thực thi công vụ của các cơ quan nhà nước và những cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan này như hành vi cửa quyền, hách dịch, tham nhũng… Từ đó, kịp thời kiến nghị các giải pháp xử lý để trừng trị, răn đe, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật của lực lượng thi hành công vụ, góp phần làm trong sạch bộ máy quản lý, hướng đến mục tiêu bảo đảm quyền lực nhà nước được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, ngăn ngừa và hạn chế tình trạnh lạm quyền, tham nhũng quyền lực nhà nước.
Tuy nhiên, vì hoạt động giám sát của Hội CCB không mang tính quyền lực nhà nước nên không thể quy định trách nhiệm pháp lý, chế tài đối với đối tượng giám sát. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả hoạt động giám sát của Hội CCB Việt Nam thời gian qua kết quả chưa như mong đợi, kiến nghị của Hội CCB Việt Nam nhiều khi là một chiều, sự phản hồi chưa có chuyển biến tích cực, rất khó xác định trách nhiệm bảo đảm thực hiện được các hình thức giám sát. Vì vậy, Hội CCB muốn giám sát tốt thì cần phải tăng cường phối hợp với hoạt động giám sát của các cơ quan mang tính quyền lực nhà nước. Song hiện nay, sự phối hợp giữa Hội CCB với các cơ quan quyền lực nhà nước chưa thực sự ăn khớp, còn rời rạc, thậm chí chưa có sự phối hợp thường xuyên, đồng bộ nên hiệu quả giám sát của Hội CCB cũng như của hệ thống giám sát chưa cao. Đặc biệt là việc phối hợp giải quyết kiến nghị sau giám sát giữa Hội CCB với các Bộ, ngành nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân; vẫn còn tình.
trạng một số kiến nghị giám sát giải quyết kéo dài, không dứt điểm, có sự đùn đẩy, né tránh của các cơ quan chức năng. Tương tự, trách nhiệm của một số cơ quan nhà nước trong việc xử lý hậu quả hoạt động giám sát của Hội CCB chưa xác định cụ thể, rõ ràng.
Trên thực tế, việc phối hợp giám sát giữa Hội CCB với các cơ quan quyền lực nhà nước chủ yếu thông qua hình thức đoàn giám sát. Tuy nhiên, việc tổ chức các đoàn giám sát lại gặp không ít khó khăn như: việc tổ chức phức tạp, đòi hỏi nhiều nhân sự tham gia; tốn kém về kinh phí, phương tiện, việc bố trí thời gian…
Để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Hội CCB trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam hiện nay, Hội CCB cần xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp giám sát giữa Hội CCB các cấp với các tổ chức trong hệ thống chính trị, đặc biệt là với Nhà nước, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước hiện nay; Đồng thời, khi thực hiện hoạt động giám sát, Hội CCB cũng cần sử dụng đồng bộ cả bốn hình thức giám sát (nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tổ chức đoàn giám sát; giám sát thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền[4]) mới đảm bảo hoạt động giám sát đạt hiệu quả như mong đợi của người dân.
Nguyễn Thùy Dương - Giảng viên khoa Nhà nước pháp luật, trường ĐTCB Lê Hồng phong Hà Nội
[1] Điều 11, Pháp lệnh Cựu chiến binh năm 2005.
[2]http://www.thiduakhenthuongvn.org.vn/dien-dan/hoan-thien-co-che-kiem-soat-quyen-luc-nha-nuoc-o-viet-nam-hien-nay.
[3] Khoản 1, điều 1, Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản VIệt Nam về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
[4] Nghị quyết liên tịch số 403/2010/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam.