Cán bộ kỹ thuật nông nghiệp hướng dẫn bà con nông dân huyện Sa Pa, Lào Cai trồng và chăm sóc cây dược liệu đương quy.  

Giảm nghèo bền vững là chính sách xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, thể hiện quan điểm, tính nhân văn sâu sắc. Đặc biệt, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), công tác giảm nghèo bền vững là mục tiêu, nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bách để giúp cho đồng bào có cuộc sống tốt hơn, “Không ai bị bỏ lại phía sau”, vùng núi tiến kịp vùng xuôi.

Thực tiễn đã khẳng định giảm nghèo là một trong những thành công nhất của Việt Nam trong 25 năm qua. Tỷ lệ nghèo tính theo chỉ tiêu giảm từ 58,1% (1993) xuống 14,2% năm 2010, 9,88% năm 2015 và xuống dưới 7% vào cuối năm 2017, đưa hàng triệu người ra khỏi tình trạng đói nghèo. Tỷ lệ nghèo cũng giảm mạnh theo tiêu chí thu nhập và đa chiều. Báo cáo quốc gia về kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (năm 2015) đã đánh giá “Việt Nam là một trong các quốc gia thành công về giảm nghèo và đã đạt Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về giảm nghèo trước thời hạn”.

Trong những năm qua, chúng ta đã triển khai nhiều chính sách, chương trình, đầu tư nhiều nguồn lực cho công cuộc xóa đói giảm nghèo. Trong đó, phải kể đến Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, Chương trình 30a, 135; các chính sách thường xuyên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, khuyến nông và khuyến lâm, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng mô hình giảm nghèo, trợ giúp pháp lý...

Tuy vậy, để thực hiện tốt hơn nữa về mục tiêu xóa đói giảm nghèo thì vẫn còn nhiều thách thức: Nghèo đói ngày càng tập trung nhiều ở các vùng nông thôn, miền núi và DTTS. Nghèo đồng nghĩa với vùng sâu, vùng xa. Dân tộc, địa hình và nghèo đói ở Việt Nam có sự tương tác với nhau. Tỷ trọng hộ nghèo DTTS chiếm 52,66% tổng số hộ nghèo trong cả nước (cuối năm 2017), thu nhập bình quân của hộ DTTS chỉ bằng 2/5 mức thu nhập bình quân của cả nước.

Trong chương trình nghị sự của Hội nghị “Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững”, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng nhấn mạnh: Với những thách thức đó, để thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu về xóa đói giảm nghèo chúng ta cần nỗ lực hơn nữa bằng những giải pháp cụ thể, đồng bộ. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cũng cho biết: Trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, trước hết là giao thông, thông tin liên lạc để kết nối vùng DTTS và miền núi với vùng phát triển nhằm thu hút đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm do nhân dân sản xuất ra; tiếp tục giải quyết cơ bản vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, dạy nghề, tạo sinh kế cho đồng bào có thu nhập ổn định, đảm bảo đời sống một cách bền vững; tiếp tục đầu tư vốn để quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, đưa hộ DTTS ra khỏi vùng nguy hiểm, phòng tránh thiên tai, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra; tiếp tục đầu tư phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng DTTS và miền núi; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để đồng bào DTTS và miền núi khắc phục tính tự ti, thụ động, trông chờ... vượt qua khó khăn trở ngại về điều kiện tự nhiên không thuận lợi, nỗ lực phấn đấu vươn lên; tham mưu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi một cách thiết thực, theo hướng tích hợp, thu gọn đầu mối quản lý, hỗ trợ có điều kiện, giảm cho không, tăng cho vay để đồng bào DTTS có điều kiện và ý chí vươn lên giảm nghèo bền vững.

Để mục tiêu giảm nghèo được bền vững ở vùng đồng bào DTTS, bên cạnh việc đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện các Chương trình, dự án, tăng cường hợp tác quốc tế thì ý chí chủ động thoát nghèo trong đồng bào DTTS cũng cần được khơi dậy. Nhà nước cần hỗ trợ, đồng hành cùng đồng bào dân tộc để giảm nghèo bền vững bằng “cần câu” chứ không phải “con cá”. Nhà nước chỉ hỗ trợ chính sách, nguồn lực và hướng dẫn, còn chính đồng bào phải chủ động lao động, cùng nhau sản xuất có hiệu quả kinh tế, các địa phương thực hiện nghiêm túc cân đối, bố trí nguồn vốn đối ứng ngân sách địa phương phù hợp cho việc thực hiện giảm nghèo bền vững.

Kim Loan