Nói tới ông Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thương mại Hà Nội KAT Nguyễn Ngọc Khôi, người ta đều biết ông là một doanh nhân CCB thành đạt, người có trái tim nhân hậu khi đứng ra thành lập và trực tiếp là giám đốc điều hành Quỹ “Trái tim vàng Việt Nam” nhằm trợ giúp những người còn khó khăn trong cuộc sống. Ông còn nổi tiếng bởi kinh nghiệm nuôi rùa và chính ông là người đã đóng góp rất nhiều trong việc bắt và chữa bệnh cho “cụ” rùa Hồ Gươm, Hà Nội. Thế nhưng tôi muốn nói tới ông trên một góc độ khác: Nhà sưu tập tiền cổ.
Niềm đam mê với tiền cổ trong ông Khôi cháy bỏng ngay từ thời còn niên thiếu. Quan niệm về tiền của ông cũng độc đáo. Ông cho rằng:

  • Tiền là phương tiện dẫn đến nhiều sự thành công của mọi thời đại. Mỗi thời kỳ lịch sử, tiền đều có nét văn hóa riêng và đều phản ánh rõ nét thịnh suy về kinh tế giao thương của thời đó. Người ta chỉ nhìn đồng tiền với góc độ là vật trung gian trao đổi hàng một cách đơn thuần. Nhưng có một cách nhìn khác qua lăng kính quốc bảo: Có thể thấy hồn quốc gia lấp lánh nếu biết đặt đồng tiền trong tổng thể hài hòa bối cảnh lịch sử ra đời! Tất cả các dấu ấn chính trị lịch sử, kinh tế- xã hội và cả văn hóa nghệ thuật đều được biểu hiện trên đồng tiền. Sức hấp dẫn nhất trên đồng tiền, chính vì trên đó đã hiện diện quyền uy tối cao của những nền chính thể.
    Khu trưng bày các di vật lịch sự của ông Khôi, trong đó có bộ sưu tập tiền cổ được đặt trên hòn đảo nhỏ, nổi giữa đầm Bông, Hoàng Mai, Hà Nội. Dựa vào kết quả giám định chi tiết của Hội đồng tư vấn khoa học của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, những di vật, cổ vật ở đây đã được cấp giấy chứng nhận là di vật, cổ vật quốc gia bao gồm 1.409 di, cổ vật.
    Trong những tủ kính, các đồng tiền được xếp đặt có thứ tự theo dòng thời gian, tuy không bóng bảy lấp lánh như đồ gốm sứ nhưng giá trị thật thì không thể tính được. Nhiều du khách tới đây, cũng có cả nhiều vị lãnh đạo cao cấp của nhà nước ta, nhiều người nước ngoài, khi thăm bảo tàng tiền cổ đều xuýt xoa bởi những đồng tiền quý hiếm đã gợi nên một lịch sử ngàn năm của đất nước.
    Bảo tàng tiền cổ của ông Khôi như biên niên sử của đất nước, trải dài qua các thời đại, từ Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần… đến nhà Nguyễn, thời thuộc Pháp và thời kỳ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đồng tiền đầu tiên của Việt Nam “Thái Bình hưng bảo” được đúc vào năm 970 dưới thời Đinh Tiên Hoàng. Suốt thời Bắc thuộc Việt Nam không có tiền riêng. Khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, lập nên nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên, ông cho đúc loại tiền này, không thể lẫn với bất kỳ loại tiền nào lưu hành cùng thời kỳ. Tiền “Thái bình hưng bảo” cũng như các đồng tiền “Thiên phúc trấn bảo” thời tiền Lê, “Thiên phù thông bảo, Thuận thiên đại bảo…” thời Lý, các đồng tiền thời Trần, Hậu Lê, nhà Hồ, nhà Mạc, nhà Nguyễn… mà ông Khôi sưu tập được trong bảo tàng tiền cổ của mình đặc biệt có giá trị khẳng định nền độc lập tự chủ của Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa… qua mỗi thời đại.
    Sưu tập tiền cổ là một hoạt động văn hóa mang tính nhân văn cao. Có nhà sưu tập nào từng cầm đồng tiền cổ trên tay mà chưa từng thưởng thức đồng tiền bằng cách nói chuyện những bí ẩn, huyền thoại, lý lịch, sự nghiệp và có khi cả mối tình lãng mạn của vị vua có niên hiệu trên đồng tiền? Và mỗi đồng tiền lại mở ra một câu chuyện thú vị. Những đồng tiền cổ mà Doanh nhân CCB Nguyễn Ngọc Khôi đã sưu tập được không chỉ mang ý nghĩa vật chứng lịch sử mà còn giống một pho sách để chúng ta tìm hiểu những biến thiên, thăng trầm của từng giai đoạn lịch sử, thậm chí cả những dâu bể đời người và có khi còn là cả triết lý sống của một dân tộc.
    Quang Vinh