Giám đốc đại học Thái Nguyên có ''lộng'' quyền? (23/09/2010)
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt "được" ấy, Đại học Thái Nguyên cũng đang tồn tại những mặt hạn chế, trong đó phải nói đến những người được coi là những người "cầm chịch", đó là Ban giám đốc Đại học Thái Nguyên (ĐHTN), mà người đứng đầu là ông Từ Quang Hiển GS-TS), Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Đại học Thái Nguyên đã có nhiều "vấn đề" trong điều hành chỉ đạo khiến cho nhiều cán bộ cấp dưới chưa tâm phục, khẩu phục.
Ông Từ Quang Hiển được trúng cử vào chức Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Đại học Thái Nguyên khoá 2006 - 2011. Theo phản ánh của lãnh đạo một số trường thành viên của Đại học Thái Nguyên, trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến nay, ông Hiển cũng đã làm được một số việc, chẳng hạn như việc mở rộng được một số ban của Đại học Thái Nguyên, có công" trong việc thành lập được một số trường và một số trung tâm đào tạo mới. Tuy nhiên, việc "đẻ" ra nhiều trường, ban, trung tâm đã làm cho ông Hiển khá "vất vả" trong việc điều hành cả một bộ máy khổng lồ. Có lẽ chính vì "ôm'' quá nhiều việc cho nên ông Hiển nhiều lúc đã ''quên '' những quy định của pháp luật trong việc điều hành quản lý. Chính vì vậy, đã có rất nhiều ý kiến không đồng tình, thậm chí là phản đối kịch liệt của chính các đồng chí lãnh đạo của các trường đại học thành viên đối với cung cách điều hành quản lý của ông Từ Quang Hiển. Chúng tôi xin trích một vài ý kiến của lãnh đạo một số trường đại học thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên xung quanh vấn đề này. Những nội dung đó là: Độc đoán, chuyên quyền, thiếu công khai, thiếu dân chủ; có nhiều sai phạm trong quản lý chi tiêu tài chính...
Không công khai, dân chủ, không tuân theo nguyên tắc của Đảng.
Theo phản ánh của nhiều đồng chí lãnh đạo của các trường Đại học thành viên đều có chung ý kiến về công tác triển khai chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Đảng bộ Đại học Thái Nguyên: ''... việc phân số lượng đại biểu cho các đảng bộ trực thuộc thể hiện việc làm không công khai, không dân chủ, tuỳ tiện, và không đúng với các hướng dẫn về tổ chức Đại hội Đảng các cấp của đồng chí Bí thư Đảng uỷ ĐHTN Từ Quang Hiển. Cụ thể là: Ngày 5 tháng 5 năm 2010, ông Hiển đã ra công văn số 281 - CV/ TV của Ban thường vụ Đảng uỷ về xin ý kiến các đảng uỷ viên số lượng đại biểu triệu tập đại hội và cách phân đại biểu cho các đảng bộ trực thuộc (công văn này lấy danh nghĩa của Ban thường vụ Đảng uỷ và Tiểu ban nhân sự đại hội, nhưng không hề thông qua Ban thường vụ và Tiểu ban Nhân sự đại hội). Các đảng uỷ viên, đặc biệt một số đảng uỷ viên là uỷ viên thường vụ Đảng uỷ ĐHTN, là bí thư đảng uỷ các trường đại học lớn của ĐHTN đều có văn bản đóng góp không đồng ý với cách phân chia đại biểu theo đề xuất của đồng chí Bí thư và đều đề nghị nên phân theo tỷ lệ đảng viên của mỗi đảng bộ.Thế nhưng, đồng chí Bí thư đã không tiếp thu những ý kiến đóng góp và cũng không thông qua Ban thường vụ Đảng uỷ ĐHTN về phân số lượng đại biểu cho các đảng bộ trực thuộc mà tự ý cá nhân phân đại biểu theo "cơ chế xin cho". Cứ mỗi lần một đảng bộ nào đó báo cáo để chuẩn bị đại hội thì lại được phân số lượng đại biểu bằng "mồm", nếu kêu ít thì lại được trao đổi lại thêm, bớt một, hai đại biểu và sau đó có một quyết định riêng về số lượng đại biểu được phân cho đảng bộ đó...". Ông Đặng Kim Vui, Hiệu trưởng Đại học Nông Lâm Thái Nguyên cho biết: " Đại học Nông Lâm chúng tôi trong tổng số 320 đảng viên chỉ được cử 26 đại biểu chiếm 8,1%". Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Đại học Y Dược Thái Nguyên cũng bày tỏ:'' Đại học Y Dược chúng tôi có hơn 700 đảng viên mà chỉ được cử 43 đại biểu, chiếm 6,14%". Các trường đại học khác như Đại học Sư phạm Thái Nguyên, đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên số lượng đảng viên cũng có tới vài trăm nhưng cũng chỉ ''cho'' tỷ lệ từ 7 đến 8% trong khi đó Đảng bộ khối cơ quan ĐHTN, được cử 33 đại biểu, chiếm 43,4% tổng số đảng viên toàn Đảng bộ (tổng số đảng viên của Đảng bộ là 76 đảng viên).
Đến đây, dư luận có quyền đặt câu hỏi: "Đảng bộ khối cơ quan ĐHTN được phân nhiều chỉ tiêu như vậy vì các đại biểu này sẽ'' ủng hộ'' đồng chí Hiển khi bầu cử''? Lý giải cho việc "bất bình đẳng ''này, ông Ngô Văn Hải (Phó giám đốc Đại học Thái Nguyên) và cũng là người "chắp bút" tham mưu cho ông Hiển, rằng: "Theo Điều lệ Đảng, chúng tôi dựa vào 3 tiêu chí để xét số lượng đại biểu của các đơn vị, đó là: số lượng tổ chức đảng, số lượng đảng viên, tính chất quan trọng". Như vậy, nếu theo như ông Hải giải thích thì Đảng bộ khối cơ quan ĐHTN "quan trọng" hơn các đơn vị thành viên còn lại? Câu trả lời xin dành cho các đại biểu, những người ưu tú nhất trong cuộc chọn lựa vừa qua, những người có ''đủ tâm, đủ tầm'' nhất sẽ lựa chọn ai sẽ giữ chức Bí thư Đảng uỷ trong cuộc bầu cử sắp tới của ĐHTN. Ông Hải cũng biện bạch thêm: “Tôi cũng không thiên vị cho ai, tôi cũng chỉ còn công tác 2 năm nữa là tôi cũng đủ tuổi về hưu" (!).
Không công khai, minh bạch trong thu chi tài chính!
Theo phản ánh của lãnh đạo một số trường đại học thành viên của ĐHTN:"... Hàng năm, kinh phí ngân sách nhà nước của ĐHTN được Bộ giáo dục và Đào tạo phân rất sớm (khoảng tháng 3). Nhưng Giám đốc ĐHTN Từ Quang Hiển thường không tổ chức phân kinh phí cho các đơn vị thành viên ngay mà đến tận cuối năm mới phân kinh phí. Năm nay, đến tận tháng 7 mà Đại học Thái Nguyên vẫn chưa phân kinh phí chính thức cho các trường thành viên, chỉ tạm phân kinh phí cho một số hạn mức chi tạm làm khó khăn cho công tác kế hoạch tài chính của các trường"; ''Từ năm 2007 đến nay,các trường Đại học thành viên không được biết kế hoạch phân ngân sách được Bộ Giáo dục - Đào tạo phân cho các trường là bao nhiêu, mà cuối năm chỉ có hội nghị tài chính, chủ yếu là để phân chia ngân sách, chứ không bao giờ công khai quyết toán năm tài chính cũ. Khi phân chia cũng không công khai kinh phí Bộ cấp cho ĐHTN được bao nhiêu, ngân sách cụ thể như thế nào''.
Theo phản ánh của các đồng chí lãnh đạo ở các trường thành viên thì hàng năm các trường phải nộp 5% học phí hệ chính quy và 2% học phí hệ không chính quy về ĐHTN. Đã nhiều lần các đoàn kiểm toán yêu cầu ĐHTN phải dừng việc thu học phí của các trường, nhưng ĐHTN vẫn yêu cầu đóng nộp. Khoản đóng nộp này chưa bao giờ ĐHTN công khai quyết toán là dùng để làm gì và chi phí cho việc gì, mặc dù năm nào các trường cũng yêu cầu công khai quyết toán số học phí đóng do các trường thành viên đóng lên.
Chương trình xây ký túc xá là chương trình của Chính phủ cho các trường thông qua tỉnh Thái Nguyên. Nguồn kinh phí này là từ trái phiếu Chính phủ. Nhưng để được xây dựng các ký túc xá này, Giám đốc Từ Quang Hiển yêu cầu các trường phải ký nộp ''đối ứng” một số tiền rất lớn cho ĐHTN. Tổng số tiền mà các trường phải "đối ứng" là hơn 27 tỷ đồng . Lãnh đạo các trường ĐH cũng không được ông Hiển giải thích là căn cứ vào đâu mà ''bắt'' các trường phải ''đối ứng'', ông Hiển cứ ra "trát" (công văn) là các trường phải y lệnh tuân theo.
Một việc nữa cũng gây không ít điều tiếng ở ĐHTN là Trung tâm học liệu. Đây là một dự án được tài trợ bởi tổ chức Đông - Tây hội ngộ ( EMW) của Hoa Kỳ và Đại học RMIT của Australia tài trợ với tổng số tiền hơn 7 triệu đô-la và vốn đối ứng của Bộ Giáo dục - Đào tạo là hơn 12 tỷ đồng. Trung tâm học liệu này nói đúng ra là một "thư viện điện tử" được xây dựng khá khang trang đạt tiêu chuẩn của ''Tây". Học sinh, sinh viên có thể đến đây hoặc có thể kết nối mạng internet ở bất cứ nơi đâu để khai thác thông tin, tài liệu để phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu. Sau khi trung tâm này được đi vào sử dụng năm (2008), thì các "thầy" của ĐHTN đã ra Quyết định số 1054 QĐ - ĐHTN - TTHL ngày 21-8-2009 do ông Ngô Văn Hải - Phó giám đốc ĐHTN ký, về việc quy định mức thu, chi lệ phí truy cập và sử dụng tài nguyên thông tin Trung tâm học liệu. Mặc dù chưa có các văn bản pháp luật quy định và hướng dẫn việc thu phí này của Chính phủ và các Bộ. Hàng năm các" thầy" vẫn thu hơn 2 tỷ đồng tiền lệ phí để "vận hành". Cụ thể như sau: hệ trung cấp: 120.000 đ/ sinh viên/ 1 khoá học; hệ cao đẳng 180.000 đ/sv/1 khoá học; hệ đại học 4 năm: 240.000 đ/1sv/ 1 khoá học; hệ đại học 4,5 - 5 năm: 280.000 đ/sv/1 khoá học; hệ đại học 6 năm: 300.000đ/1sv/1 khoá học... Đây là mức phí áp dụng cho năm học 2009, khi học sinh nhập học là phải đóng ngay. Theo ông Nguyễn Duy Hoan - Giám đốc Trung tâm học liệu thì đây là khoản đóng góp ''bắt buộc'', vì trung tâm phải chi thường xuyên như tiền điện, tiền nước, tiền bảo vệ, tiền trả lương cho cán bộ...
Chúng tôi đã thu thập ý kiến của một số đồng chí là lãnh đạo và các sinh viên ở các đơn vị thành viên, thì họ đều không tán thành với khoản thu này. Bà Trần Thị Việt Trung, PGS. TS, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên bức xúc: ''Hàng năm Đại học Thái Nguyên thu từ 2 đến 5% số tiền học phí của sinh viên, tại sao không dùng cho việc này? Ngay cả khoản thu này chúng tôi cũng không được biết ĐHTN chi vào việc gì? Đều là dân trí thức cả nhưng các anh ấy ( lãnh đạo ĐHTN) coi thường chúng tôi quá'', bà Trung nói thêm. Ông Đặng Kim Vui, Hiệu trưởng Đại học Nông Lâm Thái Nguyên cũng bày tỏ sự phản đối khoản thu này: "Bộ giáo dục và Đào tạo chỉ quy định các trường thu tiền học phí, ngoài ra không được thu thêm một khoản gì khác của sinh viên, rõ ràng ĐHTN thu thêm khoản phí này là coi như đã ''tự tăng học phí''.
Những việc làm thiếu công khai, thiếu dân chủ ở Đại học Thái Nguyên đã, đang và sẽ làm cho nỗi bức xúc của hàng nghìn giáo viên và hàng vạn sinh viên ngày càng lan rộng, và một tất yếu xảy ra là sẽ khó tránh khỏi một cuộc đấu tranh sẽ nổ ra nhằm đem lại sự công bằng và trong sạch cho bộ máy lãnh đạo nơi đây. Hiện tại các cơ quan pháp luật đang thanh tra, kiểm tra ĐHTN. Hy vọng một ngày không xa, hàng nghìn thầy cô giáo và hàng vạn sinh viên ở ĐHTN sẽ được hít thở một bầu không khí trong lành. Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh tới độc giả khi có thông tin mới nhất về vụ việc này.
Quốc Hưng