Giải quyết vấn đề quá tải bệnh viện

Tháng 1-2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020. Sau 2 năm thực hiện Đề án, tổng số giường bệnh trên toàn quốc tính đến nay là hơn 260.000 giường bệnh, trong đó giường bệnh tuyến tỉnh chiếm tỷ lệ lớn nhất (49,4%), tăng gần 40.000 giường bệnh so với năm 2012. Số giường bệnh/vạn dân thực kê tại ba tuyến T.Ư, tỉnh, huyện là 28,1 giường, tăng 3,4 giường bệnh/vạn dân so với năm 2012. Vừa qua, 14 bệnh viện T.Ư cũng đã ký cam kết chấm dứt tình trạng bệnh nhân nằm ghép, bảo đảm 1 bệnh nhân/giường bệnh, chậm nhất sau 48 giờ nhập viện. Ngoài ra, dự kiến năm 2015 sẽ có thêm 22 bệnh viện khác tiếp tục ký cam kết này. Với những cam kết cụ thể không để bệnh nhân nằm ghép của các bệnh viện T.Ư là một tín hiệu đáng mừng trong nỗ lực giảm tải bệnh viện của ngành Y tế. Đến nay, 58% số bệnh viện tuyến T.Ư và 47% số bệnh viện tuyến tỉnh có xu hướng giảm số khoa có tình trạng nằm ghép, không còn tình trạng nằm ghép tới 3 - 5 người/1 giường; tình trạng nằm ghép đôi cũng giảm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số khó khăn, thách thức như tỷ lệ giường bệnh/1 vạn dân còn thấp, số giường bệnh tăng thêm chiếm tỷ lệ lớn là giường bệnh thực kê; tỷ lệ bảo hiểm tăng, cơ sở vật chất của bệnh viện còn khó khăn…, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng cao, người dân đi khám bệnh, chăm sóc sức khỏe, muốn vượt lên tuyến trên khám chữa bệnh nhiều hơn… và nhiều bệnh viện chưa nhiệt tình trong công tác giải quyết giảm tải. Có ý kiến cho rằng, sở dĩ như vậy vì dù nằm ghép nhưng bệnh nhân vẫn phải thanh toán tiền giường như nằm một mình. Lợi này rõ rằng bệnh viện được hưởng, còn thiệt hại chính là người bệnh hoặc là bảo hiểm y tế, là những đối tượng phải chi trả viện phí.
Để hỗ trợ cho các bệnh viện thực hiện tốt cam kết, Bộ Y tế đã thực hiện Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện và bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2008-2010; đầu tư mở rộng, nâng cấp một số bệnh viện chuyên khoa tuyến T.Ư như Nhi, U bướu, Chấn thương chỉnh hình… Đồng thời, Bộ Y tế đã thực hiện đề án giảm tải bệnh viện theo Quyết định 92 của Chính phủ, ban hành đề án bệnh viện “vệ tinh” với 14 bệnh viện “hạt nhân” là các bệnh viện T.Ư và tuyến cuối của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế cho 46 bệnh viện tỉnh, bệnh viện “vệ tinh” nhằm tăng cường chất lượng bệnh viện tuyến dưới, tạo lòng tin cho người bệnh, giảm tình trạng vượt tuyến… Đề án bác sĩ gia đình được triển khai khá tốt tại 8 tỉnh và sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này.
Lộ trình để giải quyết cơ bản vấn đề nằm ghép được đưa ra đến năm 2020. Điều này hoàn toàn khả thi nhưng cần sự nỗ lực không chỉ riêng Ngành Y tế mà của cả xã hội, trong đó có vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng, phân bổ nguồn lực, cải cách giá dịch vụ y tế…
Mai Anh