Giải quyết tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông: Việt Nam kiên trì bằng biện pháp hòa bình
Theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước), các quốc gia ven Biển Đông có chủ quyền và thực thi pháp luật trên biển, nhưng không thể thực hiện các hành vi một cách tùy tiện mà phải tuân thủ theo luật pháp quốc tế. Là thành viên của Công ước Luật Biển 1982, Việt Nam có lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, vùng thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý. Theo đó, Việt Nam có chủ quyền trên biển rộng 1 triệu ki-lô-mét vuông. Là một trong số 107 quốc gia ký vào Công ước, Việt Nam luôn tôn trọng và tuân thủ đầy đủ các nội dung của Công ước Luật Biển 1982 và ngày càng có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực.
Tuy nhiên, những năm gần đây, một số quốc gia đã không thực thi nghiêm túc những nội dung đã được quy định trong Công ước, sử dụng vũ lực, tổ chức các hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên biển. Quan điểm nhất quán của Việt Nam là luôn tuân thủ và thực hiện nghiêm túc theo luật pháp quốc tế, Việt Nam luôn mong muốn và thiện chí giải quyết các tranh chấp, bất đồng ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tiến sĩ Phạm Thị Lan Dung - quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao khẳng định: “Việt Nam luôn chủ động và kiên trì sử dụng các biện pháp ngoại giao, đặc biệt là biện pháp đàm phán nhằm giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và tranh chấp về biển đảo. Trước những sự kiện diễn ra ở Biển Đông vừa qua thì Việt Nam luôn kiên trì các biện pháp ngoại giao”.
Là một trong những vùng biển chiến lược quan trọng nhất của thế giới, là nơi tập trung nhiều tuyến giao thông hàng hải quốc tế quan trọng, Biển Đông có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, trữ lượng dầu mỏ, khí đốt dồi dào… Vì vậy vấn đề tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông trong những năm gần đây càng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, tác động lớn đến môi trường hòa bình, ổn định của khu vực, cũng như chủ quyền và lợi ích của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Theo Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ: Biển Đông hiện đang tồn tại hai loại tranh chấp chủ yếu. Một là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hai là tranh chấp ranh giới biển và thềm lục địa. Đây là những tranh chấp rất phức tạp và kéo dài. Đối với Việt Nam, chúng ta có đầy đủ căn cứ, bằng chứng pháp lý và lịch sử có giá trị pháp lý, khẳng định chủ quyền của mình với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Với những vấn đề về ranh giới các vùng chồng lấn chưa được phân định rõ nét, Việt Nam đã chủ động đàm phán, thông qua con đường ngoại giao để đi đến thống nhất, tạo sự đồng thuận, phù hợp với lợi ích của cả hai bên.
Nhìn lại trong tiến trình lịch sử của nhân loại, nhiều quốc gia đã sử dụng vũ lực, tiến hành chiến tranh để giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ. Biện pháp đó không hiệu quả và không phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Bởi lẽ, nếu sử dụng sức mạnh quân sự, tiến hành chiến tranh sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định của thế giới. Vấn đề Biển Đông cũng vậy, nếu các quốc gia dựa vào sức mạnh quân sự, phớt lờ luật pháp quốc tế để gây nên những căng thẳng trên Biển Đông sẽ làm cho tình hình thêm phức tạp, kéo dài và khó đạt được tiếng nói chung. Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng - Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế về Quốc phòng cho rằng: “Những tranh chấp, xung đột về thăm dò tài nguyên, về khai thác dầu khí, đánh bắt cá… đều phải được giải quyết một cách hòa bình và nhân đạo. Việt Nam luôn tuân thủ điều đó, được cộng đồng quốc tế thừa nhận, ghi nhận và ủng hộ. Bởi vì chúng ta bảo vệ lợi ích chính đáng, chính nghĩa và được Luật pháp quốc tế thừa nhận. Với ý chí đó, chúng ta sẽ bảo vệ thắng lợi chủ quyền lãnh thổ, cũng như lợi ích chính đáng của quốc gia”.
Trong xử lý tranh chấp, bất đồng nói chung và trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển nói riêng, chúng ta luôn nhất quán phương châm ngoại giao “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Theo đó, cái “bất biến” là lợi ích của quốc gia, dân tộc, mà độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là cốt lõi. “Vạn biến” là cách ứng phó khéo léo, linh hoạt; kết hợp hài hòa giữa mềm dẻo và kiên quyết, giữa chiến lược và sách lược, giữa chủ động và sáng tạo trong từng tình huống cụ thể. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, khó khăn đến đâu cũng phải giữ vững được chủ quyền lãnh thổ trên cơ sở lẽ phải, phù hợp luật pháp quốc tế. Trước những diễn biến phức tạp liên quan đến Biển Đông những năm gần đây, cũng đã có quan điểm cho rằng, Việt Nam cần phải đi theo nước này, nước kia, hoặc tham gia vào liên minh quân sự mới có thể bảo vệ được chủ quyền trên biển. Về vấn đề này, Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng cho rằng: “Đây là ý kiến không phù hợp. Là ý kiến mà theo tôi, chí ít là sự nhẹ dạ cả tin, sâu xa hơn là âm mưu thủ đoạn thâm độc núp bóng yêu nước bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đẩy chúng ta lên tuyến đầu trong cuộc cạnh tranh này và trở thành nạn nhân của chính cuộc cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn”.
Với vai trò đặc biệt quan trọng của Biển Đông, những mâu thuẫn, tranh chấp, bất đồng rất khó để có thể giải quyết trong một sớm, một chiều mà sẽ là một hành trình lâu dài, qua nhiều khó khăn và thử thách. Trong khi chưa giải quyết được các tranh chấp, các nước liên quan, các quốc gia cần tôn trọng và thực hiện đầy đủ Công ước về Luật Biển năm 1982, kiềm chế, không đơn phương, tự ý thực hiện các hoạt động có thể làm phức tạp tình hình, gia tăng tranh chấp. Là một quốc gia ven biển, Việt Nam luôn đi đầu và không ngừng nỗ lực trong việc thực hiện Công ước Luật Biển 1982 và Việt Nam cũng luôn nhất quán chủ trương giải quyết những tranh chấp bằng con đường đối thoại, hòa bình, xây dựng lòng tin chiến lược để góp phần vào sự ổn định của khu vực và thế giới.
Trường Giang